Sáng 13-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023).
Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí; một số nhà báo lão thành cách mạng. Đại diện Báo Người Lao Động dự cuộc làm việc có Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí, truyền thông luôn đồng hành cùng đất nước, đã có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Nhiều nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến chiến trường.
"Khi Tổ quốc cần, nhà báo sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, sẵn sàng hi sinh và nhiều người đã anh dũng hi sinh, để lại trong mỗi chúng ta biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước" - Thủ tướng nhìn nhận.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi thăm các nhà báo lão thành. Ảnh: Nhật Bắc
Theo Thủ tướng, trong chiến tranh hay hòa bình, báo chí đều thể hiện vai trò quan trọng. Nhìn lại 2 năm trước, khi cả thế giới phải đối mặt với dịch COVID-19 với đầy khó khăn, thách thức, càng thấy rõ vai trò của báo chí trong tuyên truyền, cổ vũ, kêu gọi, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận, chia sẻ, đồng cảm trong nhân dân về các biện pháp chống dịch, tiêm chủng, đoàn kết, tương thân, tương ái trong lúc khó khăn…
Báo chí cũng phản ánh những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với tinh thần đoàn kết để Việt Nam đạt được những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau dịch; nhân dân có niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Báo chí đi tiên phong trong phản ánh chính sách mới, những bất cập chính sách, phát hiện những mô hình mới, kinh nghiệm hay, cách làm tốt, những tấm gương điển hình trong đời sống xã hội. Cùng với đó, góp phần đề cao giá trị nhân văn, lòng nhân ái, vị tha, cuộc sống tinh thần, mục tiêu, lý tưởng, hoài bão, ước mơ.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng cũng chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt như kinh tế báo chí, biên chế, tài chính, cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí.
Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên để "phụng sự Tổ quốc", "phụng sự nhân dân", "phụng sự giai cấp và nhân loại" như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
Cùng với đó, đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; lên án cái xấu, cái ác, cái tiêu cực; chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; phản bác thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
"Tuyệt đối không để trống, không nhường mặt trận nóng bỏng này cho các thế lực thù địch, chống phá trên mọi lĩnh vực truyền thông, nhất là truyền thông số, mạng xã hội" - Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.
Báo chí phải góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên.