Trao đổi với báo giới tại Hà Nội nhân dịp này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper vui mừng cho biết ngày này hai bên "kỷ niệm một sự kiện tốt lành".
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper. Ảnh: Hữu Hưng
Lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam bắt đầu trong thời kỳ chiến tranh từ năm 1975, cho đến khi Tống thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ ngày 3-2-1994.
Đại sứ đánh giá sự kiện này đã mở đường cho tất cả các bước phát triển tuyệt vời mà hai quốc gia đã đạt được trong thương mại song phương và quan hệ kinh tế. Những con số đã cho chúng ta thấy những gì diễn ra sau đó, kể từ khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ năm 1994 và hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Riêng trong năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã đạt 139 tỉ USD, tăng gấp 300 lần so với năm 1995. Điều này có nghĩa là Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ trên thế giới và đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở ASEAN. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. "Chúng tôi có lòng tin vững chắc vào tầm quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu"- Đại sứ Knapper nhấn mạnh.
Đại sứ cho biết khi Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam vào năm ngoái, phía Mỹ đã cam kết hợp tác với Việt Nam để giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ cao khác; hợp tác với Việt Nam xây dựng lực lượng lao động cho thế kỷ 21 với các nhà khoa học, kỹ sư máy tính và công nghệ thông tin có thể làm việc trong nền kinh tế công nghệ cao mà Việt Nam và Mỹ hướng tới. "Vì vậy, chúng tôi rất hào hứng với quan hệ hợp tác đang chờ đợi chúng ta trong tương lai"- Đại sứ cho biết.
Đại sứ khẳng định chính phủ Mỹ rất hoan nghênh tất cả những cải cách kinh tế to lớn dựa trên cơ chế thị trường mà Việt Nam đã thực hiện, cũng như các cam kết của Việt Nam. Chúng tôi cam kết hợp tác và hỗ trợ Việt Nam một cách sâu rộng trong quá trình Việt Nam tiếp tục chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường.
Và như vậy, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden năm 2023, theo yêu cầu của Việt Nam, chính phủ Mỹ đang xem xét quy chế kinh tế phi thị trường của Việt Nam, hay nói cách khác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Đây là việc Bộ Thương mại Mỹ đang tiến hành. Và họ có thời hạn 270 ngày để thực hiện việc này. Quy trình này bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái và bao gồm việc lấy ý kiến đóng góp công khai.
"Chúng tôi, chính phủ Mỹ, cam kết thực hiện một quy trình công bằng và minh bạch, phù hợp với các quy tắc quốc tế. Đây không phải là một quyết định chính trị mà về cơ bản là một quyết định bán tư pháp. Và vì vậy chúng tôi chờ đợi Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục nỗ lực thực hiện điều này"- Đại sứ cho biết. Đồng thời, ông nhấn mạnh chính phủ Mỹ mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam, làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Đây là một câu chuyện tuyệt vời đáng để kể và một dịp kỷ niệm đáng để chúc mừng.
Sự kiện lịch sử Việt Nam - Mỹ
Ngày 3-2-1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton công bố quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam, bước khởi đầu cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sau khi bỏ cấm vận, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã chuyển Việt Nam từ nhóm Z, tức nhóm bị hạn chế thương mại lên nhóm Y là nhóm ít bị hạn chế thương mại hơn.
Ngày 26-6-1994, Mỹ và Việt Nam đã nhất trí trao đổi các văn phòng đại diện liên lạc nhằm cụ thể hóa việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước.
Ngày 11-7-1995, Tổng thống Bill Clinton đã công bố "bình thường hóa quan hệ" với Việt Nam, đánh dấu trang mới trong lịch sử quan hệ ngoại giao của hai nước.
Sáng 12-7-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đọc tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ
Sự kiện Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam rồi tuyên bố bình thường hóa quan hệ trước hết tạo ra cơ hội cho Việt Nam bình thường hóa quan hệ không chỉ với Mỹ mà còn kết nối với tất cả các nước trên thế giới, trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, đây cũng là tiền đề để Việt Nam đạt được những thành tựu đối ngoại quan trọng khác như: chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995; gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998…