Chụp ảnh dần trở thành một phần thiết yếu đối với người sử dụng smartphone. Trong khi các hãng công nghệ liên tục đổi mới và cải thiện chất lượng camera, các công ty phần mềm cũng tung ra hàng loạt các ứng dụng mới với những tính năng độc đáo khiến những bức ảnh sau khi chụp vô cùng lung linh, ảo diệu.
Tuy nhiên đi cùng những sản phẩm chất lượng là các ứng dụng gây hại đội lốt công cụ hỗ trợ để tấn công thiết bị và dữ liệu của người dùng.
Trang BGR cánh báo người dùng Android lập tức gỡ bỏ 2 ứng dụng chụp ảnh Sun Pro Beauty Camera và Funny Sweet Beauty Selfie Camera để bảo vệ thiết bị của bản thân.
2 ứng dụng chụp ảnh độc hại Sun Pro Beauty Camera và Funny Sweet Beauty Selfie Camera.
Theo đó, công ty bảo mật Wandera chỉ ra 2 ứng dụng này đã chạy quảng cáo ngầm trên máy người dùng. Bên cạnh đó, các ứng dụng này còn tự động kích hoạt camera và micro của thiết bị để thu âm giọng nói, hình ảnh lén lút. Chúng cũng khởi động một cửa sổ hệ thống giả nhằm lừa người dùng ấn vào.
Wandera giải thích, những quảng cáo ngầm không chỉ quấy rầy người dùng mà còn khiến hao tổn pin, dung lượng máy, gây tương khắc với các ứng dụng có sẵn dẫn đến hỏng hóc. Hiện nay vẫn chưa có cách để gỡ bỏ hoàn toàn các ứng dụng độc hại này ngoại trừ thay mới thiết bị.
Ngay khi tiếp nhận thông tin cảnh báo, phía Play Store đã gỡ bỏ 2 ứng dụng này khỏi cửa hàng tuy nhiên trước đó đã có 1,5 triệu lượt tải.
Một trường hợp khác, nhà nghiên cứu Andy Michael vừa phát hiện 4 ứng dụng VPN (mạng riêng ảo) có hành vi quảng cáo trái phép gồm Hotspot VPN, Free VPN Master, Secure VPN và Security Master.
Các ứng dụng này thậm chí kích hoạt và trình chiếu quảng cáo kể cả khi người dùng đã thoát khỏi ứng dụng. Nghĩa là quảng cáo có thể hiện lên bất kỳ lúc nào, dù bạn đang kiểm tra tin nhắn, lướt Facebook hay xem YouTube,...
Ứng dụng Secure VPN quảng cáo trái phép trên thiết bị người dùng.
VPN là cách để mã hóa dữ liệu bản gửi và nhận qua kết nối Internet. Chúng cung cấp một số tính năng bảo mật khi sử dụng Wi-Fi công cộng.
The Next Web hé lộ, cả 4 ứng dụng VPN này đều có nguồn gốc từ Hong Kong và Trung Quốc - nơi VPN được dùng phổ biến để truy cập các trang bị chặn.