Dù liên tục cảnh báo nhưng hàng loạt vụ gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ (skimming) tại máy ATM, lừa người dùng để lấy mật khẩu, mã OTP rồi chiếm đoạt tiền vẫn diễn ra. Các ngân hàng (NH) đang khẩn trương ứng phó với tội phạm công nghệ thẻ.
Thủ đoạn đánh cắp tinh vi
Vụ việc mới nhất là Công an tỉnh Hà Tĩnh đang truy tìm người đàn ông có hành vi lắp skimming tại máy ATM của một NH đóng tại TP Hà Tĩnh. Trước đó, NH này báo công an có kẻ lạ mặt lắp skimming sao chụp thông tin khách hàng qua trụ ATM. Theo camera trích xuất của NH, chỉ chưa đầy 1 phút, đối tượng đã lắp đặt thành công skimming, gắn vào bàn phím để thu thập dữ liệu qua các camera siêu nhỏ... Sau khi có thông tin, dữ liệu tài khoản thẻ, đối tượng sẽ làm thẻ ATM giả để rút tiền, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Công nhân rút tiền tại các cây ATM trong KCX Tân Thuận, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An cũng bắt giữ một nhóm đối tượng người Trung Quốc có hành vi cài skimming để lấy cắp thông tin làm các thẻ giả, chiếm đoạt tài sản. Theo NH TMCP Nam Á, tại Việt Nam, một trong những cách thức tinh vi mà kẻ gian thường sử dụng hiện nay là dùng thiết bị điện tử gắn vào khe đọc thẻ của máy ATM. Bất kỳ ai rút tiền sẽ nhanh chóng bị sao chép thông tin thẻ và mã pin. Sau khi đánh cắp dữ liệu, kẻ gian sẽ nhân bản thành một chiếc thẻ mới để rút tiền. Người bị đánh cắp thông tin thẻ thường không hay biết cho đến khi có tin nhắn báo trừ tiền bất ngờ, liên tục hoặc khi thẻ bị sử dụng trái phép và bị ngân hàng từ chối giao dịch. "Các thiết bị skimming công nghệ mới được kẻ gian thiết kế nhỏ gọn, chèn sâu vào trong thiết bị đọc thẻ ở máy ATM và được gắn vào, rút ra rất nhanh nên khó bị phát hiện" - đại diện NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết.
Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), cho biết tội phạm về thẻ thường là tội phạm xuyên quốc gia (phần lớn là người nước ngoài) nên có xu hướng gia tăng ở "vùng trũng", chẳng hạn như ở Việt Nam do thẻ nội địa vẫn đang dùng công nghệ từ.
Cấp tốc chuyển đổi 21 triệu thẻ ATM sang thẻ chip
Để ứng phó, theo Sacombank, ngoài áp dụng các giải pháp phòng chống việc gắn các skimming mới, NH này còn tăng cường tần suất kiểm tra phòng máy ATM, đặc biệt là tại thiết bị đầu đọc thẻ và khu vực quanh bàn phím. "NH khuyến khích khách hàng dùng smartphone cài ứng dụng Sacombank Pay để thực hiện giao dịch rút tiền bằng mã quét QR, thay thế việc dùng thẻ và giúp khách hàng chủ động quản lý thẻ nhằm bảo đảm an toàn bảo mật cao nhất. Tất cả ATM, POS Sacombank cũng đã hoàn thành nâng cấp để đọc được thẻ chip nội địa và quốc tế" - đại diện Sacombank cho hay. Nhiều NH thương mại cho biết tội phạm về thẻ không bao giờ dừng lại, khi hệ thống NH áp dụng các giải pháp công nghệ mới, chắc chắn sẽ xuất hiện những loại tội phạm mới về công nghệ thẻ. Do đó, từng NH cũng phải áp dụng chính sách đồng bộ. Tại HDBank, ông Trần Quốc Anh cho biết đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tội phạm thẻ chứ không đơn thuần chỉ dựa vào công nghệ. Quá trình chuyển đổi dự án hoàn thành trong quý IV năm nay.
Việt Nam hiện có 48 NH thương mại phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM. Tại Thông tư số 41 quy định về lộ trình chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa công nghệ từ sang thẻ chip nội địa, NH Nhà nước đã yêu cầu lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM sang thẻ gắn chip điện tử, các thông tin quan trọng đều được mã hóa. Đến cuối năm nay, ít nhất 30% số thẻ đang lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, tương đương khoảng 21 triệu thẻ ATM phải chuyển đổi sang thẻ chip. Hạn chót cho việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM trên thị trường sang thẻ chip là cuối năm 2021. Từ cuối tháng 5, nhiều NH thương mại đã bắt đầu chuyển đổi thẻ dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas). Các NH chuyển đổi dạng cuốn chiếu, phát hành thẻ chip nội địa cho những khách hàng mới rồi dần dần chuyển đổi cho những khách hàng đang dùng thẻ ATM bằng công nghệ từ. Đến nay, thông tin mới nhất từ Napas cho biết đơn vị này đã hỗ trợ chuyển đổi cho các NH như ACB, SCB, SeABank... Trước đó, 7 NH thương mại đầu tiên đã phối hợp với Napas triển khai lộ trình chuyển đổi, phát hành thẻ ATM bằng chip đầu tiên ra thị trường là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, TPBank và ABBANK.
Theo NH Nhà nước, thẻ chip nội địa sẽ hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ. Đây cũng là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ chip.
Kiểm tra bàn phím, đầu đọc thẻ khi rút tiền
Nhiều NH thương mại cũng đang áp dụng biện pháp như cảnh báo giao dịch bất thường, hạn chế hạn mức rút tiền mặt, kiểm tra các giao dịch vào những thời điểm giờ "giao nhau giữa 2 ngày" (trong khoảng từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng), vận động khách hàng sử dụng SMS nhắn tin biến động số dư. Các NH cũng khuyến cáo chủ thẻ nên kiểm tra khu vực bàn phím, đầu đọc thẻ tại ATM trước khi thực hiện giao dịch, định kỳ chủ động thay đổi mã pin qua các kênh ứng dụng của NH.