Hai nền tảng công nghệ 4.0 của FPT đứng trong Top 10 Sao Khuê 2020.
Đó là nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI và nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ doanh nghiệp akaBot. Đây cũng là hai nền tảng được đánh giá cao trong nhóm các sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0.
Nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI cung cấp các sản phẩm và dịch vụ dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo như Chatbot, Tổng đài trợ lý ảo, Trích xuất thông tin từ hình ảnh giúp doanh nghiệp giảm tới 60% chi phí hỗ trợ hoạt động, gia tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đem đến trải nghiệm tương tác khách hàng tức thời, liền mạch.
Sau ba năm ra mắt, FPT.AI đã đạt được những kết quả đáng khích lệ tại thị trường nội địa và quốc tế, với 70 doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng, hành chính công sử dụng và 1.000.000 người dùng cuối được hưởng lợi từ các dịch vụ/năm.
Nền tảng akaBot là nền tảng ứng dụng công nghệ RPA, tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn như giúp doanh nghiệp tăng 80% năng suất, tiết kiệm 60% chi phí vận hành, giảm 90% thời gian thực hiện các tác vụ và bảo đảm duy trì hoạt động ổn định 24/7.
Hiện akaBot đang được ứng dụng tại 20 doanh nghiệp lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: tài chính - ngân hàng, logistics, sản xuất, bán lẻ... ở sáu quốc gia trên thế giới.
Những sản phẩm, giải pháp, nền tảng trên là kết quả của quá trình tiên phong đầu tư nghiên cứu, phát triển theo xu hướng công nghệ mới của FPT trong suốt nhiều năm qua. Trong bối cảnh bình thường mới, các giải pháp này đặc biệt hữu ích, hỗ trợ doanh nghiệp sinh tồn cũng như chuyển đổi, bứt phá trong tương lai.
Ngoài ra, FPT còn có bảy sản phẩm, dịch vụ khác đạt giải Sao Khuê 2020 gồm: Codelearn – Nền tảng học và thi lập trình trực tuyến; FPT.EMR – Hệ thống quản lý bệnh án điện tử; FPT.U-services – Cổng dịch vụ hợp nhất; HiFPT - Ứng dụng chăm sóc khách hàng internet băng rộng và Truyền hình trả tiền đầu tiên tại Việt Nam; Dịch vụ tổng đài Oncall FPT; FPT iHome – Sản phẩm thiết bị cảm biến đột nhập; Dịch vụ đào tạo CNTT.
Sao Khuê là danh hiệu uy tín và danh giá nhất của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) tổ chức thường niên. Các sản phẩm, dịch vụ tham gia dự thi được đánh giá dựa trên các tiêu chí: sự nổi trội về công nghệ, tính hiệu quả, tiềm năng thị trường, khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng, tính bảo mật và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, tổ chức là chủ sở hữu của sản phẩm, dịch vụ đăng ký bình chọn.
Đặc biệt, các sản phẩm lọt vào Top 10 Sao Khuê phải bảo đảm được các tiêu chí: đạt doanh thu cao và tăng trưởng tốt; công nghệ vượt trội, sáng tạo đột phá; và có tác động xã hội lớn, hiệu quả trên diện rộng, giải quyết bài toán bức thiết của xã hội…
Các sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ của FPT đạt giải Sao Khuê 2020 nằm trong hệ sinh thái các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số của FPT giúp các doanh nghiệp, tổ chức tối ưu vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo các mô hình kinh doanh... Trong đó, hai sản phẩm của FPT được vinh danh trong Top 10 Sao Khuê 2020 được đánh giá là các giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm chi phí, gia tăng năng suất và hiệu quả hoạt động để bứt phá trong bối cảnh bình thường mới hiện nay.
Theo thống kê, Top 10 danh hiệu Sao Khuê 2020 thuộc các doanh nghiệp có tổng doanh thu 81.651 tỷ đồng, tương đương 3,47 tỷ USD, tổng nhân lực là 72.548 người. Riêng doanh số của 10 sản phẩm, giải pháp đạt Sao Khuê 2020 là 927 tỷ đồng, tương đương gần 40 triệu USD. Cả 10 sản phẩm giải pháp đều ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó nhiều nhất là trí tuệ nhân tạo.
Top 10 Sao Khuê 2020 gồm:
1. Nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ (akaBot) của Công ty TNHH Phần mềm FPT;
2. Phần mềm quản lý điều hành thông minh cho nhà vận tải - An Vui của Công ty Cổ phần Công nghệ An Vui;
3. Bệnh án điện tử CLAS Healthcare của Công ty Cổ phần Infomed Việt Nam Cyber Callbot;
4. Nền tảng xây dựng tổng đài tự động Callbot cho doanh nghiệp Việt của Trung tâm Không gian mạng Viettel;
5. Nền tảng Trí tuệ Nhân tạo Toàn diện FPT.AI của Công ty Cổ phần FPT;
6. Phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.vn của Công ty Cổ phần MISA;
7. SAVIS LGSP 2.0 - Giải pháp nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS;
8. Hệ sinh thái Giáo dục thông minh Smart Education - vnEdu 4.0 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;
9. Giải pháp giám sát bất thường trên máy trạm (VCS - aJiant) của Công ty An ninh mạng Viettel;
10. VietinBank iPay Mobile của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
LÂM THẢO - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)