Phải có đội ngũ chuyên trách
Khác với điện tử hóa tờ báo, CĐS là số hóa toàn bộ hoạt động của tờ báo, mà trang web chỉ là một loại hình xuất bản của tờ báo. Vì thế, để CĐS thành công, mỗi bộ phận phải có chương trình CĐS riêng nằm trong kế hoạch tổng thể của tờ báo. Tùy tình hình và điều kiện, người ta có thể CĐS riêng từng bộ phận nhưng hiệu quả thật sự chỉ có được khi toàn bộ được CĐS để tất cả bộ phận số hóa có thể liên thông, cùng hoạt động nhịp nhàng như các thành phần của một chiếc đồng hồ.
Thực tế, hầu hết cơ quan báo chí cả ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài hiện nay, CĐS rõ nhất mới dừng lại ở bộ phận tòa soạn trong công việc "bếp núc" chuyên môn. Tiên tiến nhất là việc hình thành các tòa soạn hội tụ ở một số không nhiều tờ báo - nhưng tòa soạn hội tụ này cũng chủ yếu phục vụ phần nội dung. Ở các bộ phận còn lại như công tác bạn đọc, cộng tác viên, hành chính quản trị thường được số hóa một phần và chỉ trong phạm vi bộ phận.
Vì thế, nhiệm vụ của đội ngũ CĐS của tờ báo là hoàn thiện các phần việc đã số hóa của các bộ phận và kết nối chúng lại trong một tổng thể chung cả tờ báo. Như vậy, có 2 điều mà một cơ quan báo chí muốn CĐS cần là nhận thức rõ yêu cầu CĐS và thành lập một đội ngũ chuyên trách tiến hành CĐS cho tờ báo.
Các cơ quan báo chí Việt Nam có những lợi thế nhất định trong công cuộc CĐS. Thứ nhất, có được sự nhất quán chung và cơ sở pháp lý. Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình CĐS số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Thứ hai, các cơ quan báo chí đều là cơ quan của nhà nước dưới sự tập trung quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) nên có sự thống lĩnh chung từ cơ quan cao nhất. Thứ ba, các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí sẽ nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ nhà nước để tiến hành nhiệm vụ CĐS, đặc biệt là giảm nhẹ nỗi đau đầu nhất của các đơn vị trong tiến trình CĐS là kinh phí thực hiện.
Các phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện Ảnh: Hoàng Triều
Ba nền tảng hỗ trợ
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ (TT-TT) ngày 12-1, bộ đã công bố 3 nền tảng hỗ trợ các cơ quan báo chí CĐS trong năm 2021. Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm đã khẳng định: "CĐS là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả".
Thứ trưởng Phan Tâm trong hội nghị đã nhận định: "Trong năm 2020, các cơ quan báo chí đã có chuyển đổi tích cực trong nhận thức về CĐS nhưng triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn". Ông đã nêu ra 3 vấn đề lớn đối với hoạt động CĐS của các cơ quan báo chí hiện nay. Một là, nguy cơ hứng chịu các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, có thể tổn hại lớn. Hai là, ảnh hưởng bởi mạng xã hội, đôi khi còn bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp.
Ba là, xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin cũng ngày càng cao. Có một hiện trạng phổ biến trong làng báo hiện nay, như Thứ trưởng Phan Tâm chỉ ra: "Nhiều cơ quan báo chí cũng mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong hoạt động của mình nhưng không biết bắt đầu từ đâu, dùng sản phẩm gì, giải pháp nào…". Để giúp các tờ báo giải quyết các vấn đề nêu trên, Bộ TT-TT đã xây dựng chương trình hỗ trợ CĐS cho các cơ quan báo chí. Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), trong năm 2021, bộ sẽ hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí CĐS.
Một là, nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử. Nền tảng này cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác 2 chiều với bạn đọc, đo lường số lượng người đọc, ứng dụng công nghệ, trình bày nội dung và sẵn sàng cho mô hình thu phí của báo điện tử trong một tương lai gần. Bộ TT-TT cho biết đã đánh giá, lựa chọn ra nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tốt trên thị trường, đưa ra chính sách miễn phí năm đầu tiên cho tất cả module cơ bản, toàn bộ dịch vụ hạ tầng bao gồm: máy chủ, đường truyền và phân phối nội dung trên toàn quốc.
Hai là, nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội. Nền tảng này sẽ giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin - bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Mỗi cơ quan báo chí sẽ được bộ cung cấp một tài khoản để khai thác nền tảng phân tích thông tin này.
Ba là, nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí, nền tảng này nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Bộ TT-TT sẽ hỗ trợ các cơ quan báo chí giám sát từ xa, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin cho các hệ thống. Khi các cơ quan báo chí gặp sự cố nghiêm trọng, thông qua hệ thống điều phối và ứng cứu khẩn cấp, bộ sẽ triển khai các biện pháp công nghệ, bố trí nguồn lực cho mạng lưới hỗ trợ cơ quan báo chí để giải quyết, khắc phục sự cố kịp thời.
Bộ phận kinh doanh như một công ty agency
Theo chuyên viên truyền thông Trần Thanh Trực, nhiều cơ quan báo chí truyền thống sở hữu đội ngũ làm báo nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm tạo ra nguồn nội dung chất lượng nhưng kênh phân phối đến đúng đối tượng độc giả còn hạn chế. Hầu hết đều "rải thảm" thông tin đến đối tượng đại chúng, dẫn đến không đạt hiệu quả về lượng độc giả lẫn kinh doanh. Nhiều tờ báo còn chậm thay đổi để thích ứng với các yêu cầu từ nhà quảng cáo hiện nay vốn ưu tiên chỉ số tối ưu hiệu suất đầu tư, không còn là công việc bị động "ngồi yên chờ khách hàng" đến đăng ký bảng hiệu (banner) đăng trên website báo điện tử hay báo in. Thay vào đó, bộ phận kinh doanh cần hoạt động như một công ty agency (đại lý), hệ thống hóa "tài sản" hiện có, tạo ra sản phẩm phù hợp với yêu cầu nhà quảng cáo và nhãn hàng.
PHẠM HỒNG PHƯỚC - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)