Chẩn đoán hiệu quả các ca nhiễm
Tại Trung Quốc, chỉ vài tháng sau khi chính thức công bố dịch vào cuối tháng 12-2019, các ứng dụng AI được triển khai. Trong giải pháp chẩn đoán và điều trị chính thức được công bố ngày 4-2-2020, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã đưa tính năng chụp cắt lớp vi tính (CT) của Covid-19 làm tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng tại tỉnh Hồ Bắc.
Tuy nhiên, do số lượng lớn ca bệnh và sự thay đổi nhanh các tổn thương ở phổi người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nên hiệu quả chẩn đoán, phân tích định lượng Covid-19 không cao do công việc của các bác sĩ hình ảnh quá tải. Để giải quyết vấn đề này, các công ty công nghệ như Huawei, Lanwon cùng các nhà khoa học đã phát triển dịch vụ phân tích hình ảnh y tế định lượng được hỗ trợ bởi AI (thị giác máy tính) để đưa ra kết quả định lượng CT chính xác cho bác sĩ. "Đánh giá của bác sĩ + AI" nhanh hơn hàng chục lần so với đánh giá hình ảnh định lượng thủ công, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả chẩn đoán.
Tại TP Vũ Hán, Ping An Smart Health ra mắt hệ thống sàng lọc âm thanh thông minh ứng dụng công nghệ AI để theo dõi và phát hiện chính xác các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ. Việc ứng dụng AI cũng giúp Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Bangladesh… giảm đáng kể thời gian chẩn đoán, cho phép xác định và xác nhận nhanh hơn các trường hợp nghi ngờ nhiễm. Bệnh viện Tampa ở bang Florida - Mỹ đã triển khai phần mềm giám sát tự hành chăm sóc sức khỏe AI quét khuôn mặt để xác định bệnh nhân bị sốt, giảm nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.
Theo Hội đồng châu Âu (CE), các công nghệ AI đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi quan điểm và thông tin giữa cộng đồng khoa học. Nhờ tăng cường hợp tác chia sẻ dữ liệu giữa các nước, AI sẽ có đủ cơ sở dữ liệu để xử lý, tăng hiệu quả phòng chống dịch.
Việc triển khai lắp đặt camera ở các tuyến dọc biên giới đã tăng hiệu quả giám sát, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
"Dạy" AI các tình huống nhập cảnh lậu
Tại Việt Nam, trong đợt bùng phát dịch trong cộng đồng lần thứ 4 này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa có công văn về việc thực hiện Công điện số 597/CĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 có liên quan đến hệ thống camera giám sát ở các cơ sở cách ly tập trung tại các tỉnh, thành phố.
Trong bối cảnh các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Thái Lan… đang bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng, ngoài biện pháp rải lực lượng biên phòng, thiết lập thêm nhiều chốt chặn; việc triển khai các hệ thống camera, cảm biến an ninh dọc các đường biên giới cũng giúp tăng hiệu quả bảo vệ biên giới. Từ đầu năm 2021, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu với Bộ Quốc phòng triển khai những dự án lắp đặt camera quan sát, giám sát trên các tuyến biên giới trọng yếu. Việt Nam có lợi thế là có sẵn camera an ninh tích hợp AI được sản xuất trong nước, như camera AI View của Bkav. Ngay từ đầu tháng 2-2021, để ngăn chặn những người vượt biên trái phép, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã lắp đặt hệ thống camera AI View tại các điểm trọng yếu trên khu vực bờ sông biên giới. Mỗi cột được trang bị 3 camera AI View có khả năng tự động quay, quét góc rộng và có hồng ngoại để giám sát ban đêm, thường xuyên phát hiện và cảnh báo những trường hợp vượt biên trái phép. Viện Công nghệ AI của Bkav đã "huấn luyện" cho AI các tình huống xâm nhập biên giới, sau đó nạp các "kinh nghiệm" này vào camera AI View. Chúng như các "chiến sĩ biên phòng 24/7", được lắp dọc biên giới, đường mòn, lối mở, bãi bồi ven sông để phát hiện đối tượng vượt biên trái phép.
Ưu thế của camera AI là có thể hoạt động độc lập, chip xử lý và AI trong thiết bị có thể phân tích dữ liệu ngay tại chỗ để truyền kết quả về hệ thống giám sát tập trung do Bộ TT-TT chỉ định. Do đó, việc triển khai sẽ trở nên đơn giản, không cần lắp đặt server AI, không tốn đường truyền. Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của Bkav, chia sẻ: "Nhiều nước đã áp dụng camera giám sát tại biên giới, tuy nhiên đây là vấn đề an ninh quốc gia, sử dụng sản phẩm của nước ngoài là việc nhạy cảm. Làm chủ công nghệ trong nước thực sự có ý nghĩa trong việc bảo đảm an ninh quốc gia".
Bộ TT-TT ngay từ sớm đã chỉ đạo tập trung cho nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt tích cực ứng dụng AI vào việc trợ giúp công tác phòng dịch. Chẳng hạn, các Chatbot thông minh (Cyberbot) tích hợp vào các trang web, ứng dụng hỗ trợ người dân cập nhật thông tin chính xác về dịch bệnh và biện pháp phòng dịch. AI sẽ giúp tăng hiệu quả cho việc kiểm soát lây nhiễm như xử lý và sàng lọc các thông tin khai báo y tế.
Vòng tay điện tử giám sát lao động nước ngoài
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chống dịch nắm được thông tin của tất cả trường hợp bắt đầu nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện cách ly tập trung đến khi kết thúc thời hạn theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú. Bộ TT-TT chỉ đạo các đơn vị công nghệ thông tin đề xuất giải pháp cụ thể để triển khai vòng tay điện tử giám sát chuyên gia, lao động nước ngoài; giải pháp giám sát điện tử đối với người Việt Nam; tổ chức giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để phân loại nguy cơ dịch bệnh đối với từng địa phương.
N.Dung
PHẠM HỒNG PHƯỚC - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)