Google, Baidu tham gia cuộc đua với ChatGPT

Thứ năm, 02 Tháng 2 2023 19:50 (GMT+7)
Nội bộ Google đang lo ngại về sức cạnh tranh của công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nhất là sau khi ChatGPT đi vào hoạt động
 
Đại gia công nghệ Google (Mỹ) đang thử nghiệm một số sản phẩm chat tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và tìm cách tích hợp chúng vào dịch vụ của mình trong tương lai.
 
Theo đài CNBC hôm 31-1, Google phát triển một chatbot, gọi là Apprentice Bard, trong nỗ lực cạnh tranh với đối thủ ChatGPT đang gây sốt trên thế giới. Apprentice Bard sử dụng công nghệ hội thoại LaMDA của Google và khá giống ChatGPT.
 
Nhân viên nhập câu hỏi trong hộp thoại và nhận câu trả lời bằng văn bản, rồi đưa ra phản hồi về câu trả lời này. Câu trả lời của Apprentice Bard có thể gồm các sự kiện mới diễn ra, tính năng ChatGPT chưa có. Theo trang Engadget, ChatGPT hiện có kiến thức hạn chế đối với những gì xảy ra sau năm 2021.
 
Trước sức hút của ChatGPT, nhóm LaMDA đã được yêu cầu ưu tiên phát triển một đối thủ tiềm tàng. Apprentice Bard được xem là phiên bản thay thế Meena, một chatbot thông minh được lưu hành nội bộ trước khi bị ngưng sử dụng.
 
Một sản phẩm khác đang được thử nghiệm là trang tìm kiếm có thể sử dụng định dạng câu hỏi - câu trả lời. CNBC dẫn nội dung tài liệu nội bộ và một số nguồn tin cho biết ban giám đốc Google đã yêu cầu nhân viên phản hồi về các sản phẩm trên trong những tuần gần đây.
 
Google, Baidu tham gia cuộc đua với ChatGPT - Ảnh 1.
Gian hàng của hãng Google tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2023 ở TP Las Vegas, bang Nevada, Mỹ hôm 6-1. Ảnh: REUTERS
 
Động thái trên diễn ra giữa lúc nội bộ Google đang lo ngại về sức cạnh tranh của công ty trong lĩnh vực AI, nhất là sau khi ChatGPT đi vào hoạt động vào tháng 11-2022. Đây là công cụ siêu AI được phát triển bởi OpenAI, một công ty khởi nghiệp có trụ sở ở TP San Francisco - Mỹ và được Microsoft hậu thuẫn.
 
Ban đầu, ông Jeff Dean, người phụ trách AI của Google, nhấn mạnh công ty này lo ngại uy tín bị ảnh hưởng từ rủi ro cung cấp thông tin sai nên có hướng đi thận trọng hơn so với "một công ty khởi nghiệp nhỏ". Dù vậy, ông Dean và ông Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, cũng nói bóng gió về việc tung ra những sản phẩm tương tự trong năm nay.
 
Google tự nhận là công ty tiên phong trong lĩnh vực AI nhưng hiện chưa rõ những thử nghiệm trên có được đưa vào các sản phẩm sắp tới của công ty hay không.
 
Trước đó, theo tờ The New York Times, Google được cho là đang chuẩn bị trình làng ít nhất 20 sản phẩm tích hợp AI và một chatbot cho công cụ tìm kiếm trong năm nay, trong đó một số dự kiến ra mắt tại hội nghị nhà phát triển thường niên vào tháng 5 tới.
 
Trong khi đó, theo Reuters, Microsoft đã rót 1 tỉ USD vào OpenAI và dự định sẽ đầu tư thêm. Hãng công nghệ này cũng muốn tích hợp công cụ tạo ảnh của OpenAI vào dịch vụ tìm kiếm Bing để tăng cường cạnh tranh với Google.
 
Không chịu thua kém, Công ty Baidu (Trung Quốc) đang có kế hoạch tung ra dịch vụ chatbot AI tương tự ChatGPT vào tháng 3 tới. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Baidu dự định sẽ cung cấp dịch vụ này như một ứng dụng độc lập và dần dần tích hợp vào công cụ tìm kiếm của mình. Công ty có trụ sở ở Bắc Kinh này hiện đang đầu tư mạnh vào công nghệ AI, trong đó có điện toán đám mây, chip và xe tự hành nhằm đa dạng hóa nguồn doanh thu.
 
Công nghệ của ChatGPT hoạt động nhờ việc học hỏi từ nguồn dữ liệu khổng lồ về trả lời các câu hỏi theo cách giống con người. Trong lúc các chatbot được sử dụng tại Trung Quốc hiện tập trung vào tương tác xã hội, ChatGPT lại có khả năng thực hiện những tác vụ đa dạng hơn, như lập trình hoặc viết luận văn. 
 
 

Bài viết mới nhất của Công Nghệ