nb4 gò trắng kỳ quái bất ngờ nổi lên giữa mặt hồ đã được nhân viên kiểm lâm của Công viên Bang Utah (Mỹ) phát hiện.
Với chiều cao 1 mét và đường kính hơn chục mét, những gò lạ này đã biến mặt hồ Great Salt Lake thành một cảnh quan khá giống với những gì NASA từng quan sát được trên Sao Hỏa.
Một trong các "gò ngoài hành tinh" vừa nổi lên giữa hồ - Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Utah
Ở Sao Hỏa, đó là những gò khoáng chất mà các nhà khoa học tin rằng lưu trữ dấu vết của các vi sinh vật ngoài hành tinh, từng sống trong những hồ cổ đại hàng tỉ năm trước. Những gò vừa xuất hiện trên trái đất được cho là có cùng cấu trúc và có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm về những "người anh em" trên Sao Hỏa của chúng.
Một gò "ngoài hành tinh" nhìn từ trên cao - Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Utah
Theo nhà địa chất học Mark Milligan từ Cục Khảo sát Địa chất Utah, các gò "Sao Hỏa" này hình thành từ khoáng chất tên mirabilite, một natri sulfat tinh thể, được kết tụ thành gò trong nhiệt độ dưới mức đóng băng, nhờ môi trường đặc biệt của hồ tự nhiên giàu khoáng chất Great Salt Lake. Chúng sẽ tự tiêu biến khi thời tiết ấm hơn.
Mặc dù mirabilite chưa được xác định trên Sao Hỏa, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng hành tinh đỏ sẽ sở hữu ít ra là một loại khoáng sản tương tự. Cộng với thời tiết khắc nghiệt của hành tinh và nhiệt độ trung bình âm 60 độ C, các gò Sao Hỏa thực thụ đã hình thành từ thời cổ đại và giữ được hình dáng cho tới ngày nay, là môi trường hoàn hảo để bảo quản hóa thạch.
Một nhà khoa học đang làm việc tại hiện trường - Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Utah
Tên khoáng chất mirabilite có nguồn gốc từ nhà hóa học Đức gốc Hà Lan thế kỷ 17 Johann Glauber. Ban đầu ông đã đặt tên nó là "sal mirabilis", theo tiếng Latin là "muối thần kỳ". Nó còn được gọi là "muối Glauber". Mirabilite từng được sử dụng rộng rãi trong y học, đặc biệt là trong các công thức thuốc nhuận tràng.