Hậu mùa Vu Lan, tranh luận việc con cái thể hiện báo hiếu với cha mẹ trên Facebook

Thứ ba, 28 Tháng 8 2018 09:31 (GMT+7)
Sau mùa Vu Lan báo hiếu, một Facebooker đã đăng tải hình ảnh một người phụ nữ lam lũ gánh hàng rong kèm theo câu thơ: “Mẹ già không ở trên Face. Xin đừng báo hiếu ở đây làm gì” thu hút cộng đồng mạng cùng nhiều tranh luận trái chiều về đạo hiếu.

Nhiều cư dân mạng đã đưa ra ý kiến của mình xung quanh chủ đề báo hiếu mùa Vu Lan năm nay. Có thể thấy, ý kiến của cư dân mạng chia làm hai luồng khác nhau. Một là, ủng hộ ý nghĩa của hai câu thơ trên, việc báo hiếu cha mẹ cần phải có hành động cụ thể chứ không phải bằng cách “sống ảo” đăng hình ảnh cha mẹ kèm theo dòng trạng thái mùi mẫn coi như đã làm tròn đạo hiếu đối với cha mẹ. Mặc dù, cha mẹ từ trước tới nay không biết đến mạng xã hội facebook là gì. Facebooker Lê Trường Sơn viết: “Họ muốn khoe tý ấy mà, cũng chẳng chết ai”.

Cộng đồng mạng - Hậu mùa Vu Lan, tranh luận việc con cái thể hiện báo hiếu với cha mẹ trên Facebook

Bức ảnh kèm câu thơ gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Hai là, nhiều người cho rằng: Việc đăng tải đó là quyền riêng tư của mỗi người. Họ có quyền được bộc lộ tình cảm và phụ huynh của họ cũng biết đến mạng xã hội. Bạn Lê Mai cho rằng: “Có nhiều bà, nhiều mẹ cũng dùng facebook. Và có những người con đang ở rất xa nên bày tỏ tình cảm qua facebook để tỏ lòng thành kính thì không được sao”.

Bạn Vũ Minh cũng cho rằng: “Mỗi người mỗi mẹ, mỗi người một suy nghĩ khác nhau. Thiết nghĩ, facebook của tôi thì tôi có quyền đăng tải tự do chứ nhỉ. Sao có thể vì một bức ảnh, vì câu viết tôi thể hiện tình cảm với cha mẹ mà đánh giá cả một con người”.

Xung quanh vấn đề tranh luận này, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho biết: “Mọi thứ trong xã hội bao giờ cũng có quan điểm khác nhau, không ai giống ai cả, ngay cả bố mẹ với con, anh em ruột với nhau, mỗi người có một suy luận riêng.

Chính vì vậy, việc mọi người tranh cãi vì câu thơ trên cũng không có gì là lạ. Ai nhận xét việc thể hiện sự báo hiếu với cha mẹ trên facebook “sống ảo” thì thực tế người đó chỉ nhìn vào mặt xấu của người khác mà thôi. Thực tế, người ta có “sống ảo” hay không? Vấn đề này, tự bản thân mình không thể làm sáng tỏ được”.

Chuyên gia tâm lý cho biết thêm: “Người ta đăng tải hình ảnh, trạng thái lên mạng xã hội để thể hiện tấm lòng của họ với cha mẹ họ. Cha mẹ họ biết được thì càng tốt mà không được biết đến thì cũng chẳng sao cả. Vấn đề là khi người ta đưa lên thì chắc chắn hàng ngày người ta cũng đối xử với bố mẹ rất tốt đẹp đó là với ở gần. Còn với ai ở xa thì chắc rằng không chỉ đưa lên facebook mà họ gọi điện về hay có những món quà gửi về.

Bên cạnh đó, khi đưa lên facebook thì có người em, người chị thấy được người anh, người em của mình luôn nghĩ về công lao dưỡng dục của cha mẹ, lấy đó làm tấm gương”.

Cũng theo chuyên gia, bên cạnh những người con luôn có tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ thì cũng có những người con nói có vẻ tốt đẹp nhưng tâm không tốt. Họ chỉ biết nói những điều hay mà hành động thì luôn làm cha mẹ bận lòng: Đối xử với cha mẹ không tốt, không nghe lời khuyên răn của cha mẹ, chỉ biết ăn ngon mặc đẹp mà không quan tâm cha mẹ sống như thế nào. Trong xã hội, những người như vậy không phải không có nhưng đó chỉ là số ít mà thôi. Chúng ta đừng nhìn vào số ít mà đánh giá toàn thể, đừng vơ đũa cả nắm.

Theo chuyên gia Nguyễn An Chất, tất cả những người con không ai có thể quên ơn cha mẹ cả dù đôi lúc nóng tính, cãi lại bố mẹ.

Nguồn: Phong Linh - (nguoiduatin.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống