Ảnh hưởng triều cường
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Ninh Kiều, thủy triều dâng cao, một số tuyến đường nội ô quận Ninh Kiều bị ngập sâu, như: đường Mậu Thân (phường An Hòa), đường Tôn Thất Tùng, đường Nguyễn Hữu Cầu, đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám (từ hẻm 70 đến đường Tôn Thất Tùng), đường Nguyền Văn Cừ (thuộc phường An Hòa, An Khánh, An Bình), Huỳnh Cương, khu dân cư Miền Tây phường Cái Khế và đường 30 Tháng 4… Bên cạnh đó, quận Ninh Kiều cũng có nhiều tuyến hẻm bị ngập nghẹt do triều cường. Thời gian ngập nước dao động vào cao điểm, từ 5 giờ đến 8 giờ và từ 17 giờ đến 20 giờ những ngày đầu và giữa các tháng âm lịch gần đây, gây ảnh hưởng rất lớn đến giao thông, kinh doanh, sinh hoạt của người dân.
Đoạn đường 30 Tháng 4 (quận Ninh Kiều) thường xuyên bị ngập nghẹt do triều cường, ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Văn Bảo, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: “Đưa, rước con đến trường vào giờ cao điểm, tôi cũng như bà con đi lại trên đường Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân bị kẹt xe tại 2 ngã tư: đường Nguyễn Văn Cừ và Mậu Thân, đường Mậu Thân và 3 Tháng 2. Nhờ lực lượng Cảnh sát giao thông quận, thành phố túc trực, phân luồng giao thông nên tình trạng ùn tắc hạn chế, đi lại thuận tiện hơn. Mùa nước nổi, triều cường lên cao, tôi đưa con đi học sớm hơn để tránh tình trạng kẹt xe dẫn đến trễ học, ảnh hưởng học tập của con”.
Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Ninh Kiều, trong những năm gần đây, tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp. Là địa bàn trung tâm của TP Cần Thơ, gồm 13 phường với cơ sở vật chất kiên cố nhưng hằng năm Ninh Kiều vẫn chịu ảnh hưởng do thiên tai. Trước mùa mưa, bão, lũ năm 2018, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Ninh Kiều đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Qua kiểm tra, cho thấy phường Cái Khế có 5 đoạn đê bao, bờ bao tại Cồn Khương (khu vực 3 Sông Hậu) có nguy cơ sạt lở cao; phường An Bình có 1 đoạn bờ kè đường giao thông dài khoảng 35m, cặp sông Cái Sơn có nguy cơ sạt lở...
Thực hiện chỉ đạo của UBND quận, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận phối hợp các đơn vị có liên quan nhanh chóng lập hồ sơ, thủ tục, triển khai thực hiện gia cố các điểm có nguy cơ sạt lở. Đến nay, công tác gia cố đã hoàn thành, với tổng kinh phí trên 426,5 triệu đồng. Ngoài ra, vào tháng 7-2018, mưa lớn kèm theo gió mạnh làm tốc mái nhà dân tại khu vực 7, phường An Bình. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận phối hợp với Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, cùng chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lực lượng, kinh phí giúp người dân khắc phục hậu quả.
Giảm thiệt hại
Ông Nguyễn Thế Chí Hùng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Ninh Kiều, cho biết: “Địa phương đã kịp thời huy động lực lượng là bộ đội, công an, dân phòng... hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, quận Ninh Kiều hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động ứng phó, phòng, chống thiên tai, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, sớm ổn định cuộc sống. Trong những tháng mưa bão, triều cường sắp tới, cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng tránh thiệt hại, tránh chủ quan, lơ là…”.
Để đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình xây dựng trong mùa mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Ninh Kiều phối hợp với 13 phường thường xuyên kiểm tra các điểm đê bao, bố trí sắp xếp lịch trực triều cường nhằm ứng cứu kịp thời khi sự cố xấu xảy ra. Dự báo, trong các đợt triều cường tháng 10, 11-2018, mực nước trên sông Hậu, các sông rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục lên cao, có khả năng ngập nghẹt đường phố tại các quận trung tâm, trong đó có quận Ninh Kiều, cần đề phòng thiệt hại do thiên tai; ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt, kinh doanh cho người dân.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Ninh Kiều, từ đầu năm đến nay, UBND quận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận và UBND 13 phường nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ PCTT-TKCN trước, trong và sau mùa mưa bão, lũ, triều cường. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2018, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận và các thành viên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời cung cấp thông tin cho các đơn vị, địa phương để chủ động ứng phó, đồng thời tham mưu UBND quận chỉ đạo các biện pháp ứng phó. UBND, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các phường thường xuyên tuần tra, kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao, kênh, rạch, cống, đập, các điểm xung yếu có nguy cơ sụp lở để khẩn trương thực hiện gia cố, đề phòng sự cố xấu xảy ra. Tuyên truyền, vận động các hộ dân sống ven kênh, rạch, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng trũng, bị ngập nặng di dời đến nơi ở an toàn; kê tài sản, hàng hóa lên cao khi mưa bão, triều cường xuất hiện; kiểm kê trang thiết bị phòng chống, sẵn sàng nguồn nhân lực theo phương châm 4 tại chỗ để đảm bảo ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xuất hiện. Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi triều cường, mưa lớn, thiên tai xuất hiện và nắm bắt thông tin về dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động thông báo rộng rãi cho người dân biết, tổ chức ứng phó…
Mới đây, Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận, chỉ đạo các phòng, ban chức năng, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, UBND các phường phải chủ động trong công tác ứng phó thiên tai. Đặc biệt, các đơn vị trên được phép tạm ứng kinh phí để thực hiện khẩn trương các công trình, phần việc gia cố, sửa chữa đường giao thông bị hư hỏng do triều cường, nước lũ; sạt lở đê bao, bờ bao do nước lũ, thiên tai gây ra… nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản và việc đi lại, sinh hoạt của người dân được an toàn. Sau đó, các công trình, phần việc trên được lập thủ tục thực hiện theo quy định.