Người dân sống ven sông phập phồng lo sạt lở

Thứ sáu, 30 Tháng 11 2018 09:56 (GMT+7)
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mưa lũ, thời gian qua tình hình sạt lở bờ sông tại các địa phương trong tỉnh xảy ra ngày càng phức tạp. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt nhiều hộ dân sống trong vùng sạt lở…

Người dân đi lại khó khăn do đoạn đường đan gần bến đò Hòa An – Tân Thuận Đông bị sạt lở

Ám ảnh nỗi lo sạt lở

Sống ở khu vực sạt lở gần bến đò Hòa An - Tân Thuận Đông (tổ 8, ấp Đông Bình, xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh), chị Phạm Thị Ngọc Loan luôn nơm nớp nỗi lo nhà sẽ đổ sập xuống sông, do ½ ngôi nhà đã bị sạt lở mất phần đất chân nền. Chị Loan lo lắng: “Mấy hôm nay nước rút, ghe, tàu chạy đánh sóng nhiều nên cứ phập phồng không ngủ được, sợ nhà sụp giữa đêm thì 4 người trong nhà chỉ có nước xuống sông”. Dù biết nguy hiểm rình rập nhưng gia đình chị Loan vẫn ráng bám víu một nửa diện tích nhà còn lại để tiếp tục mưu sinh, vì chưa đủ tiền chuyển vào khu tái định cư.

Cũng như chị Loan, ông Trần Văn Hồng cùng ở khu vực sạt lở ở ấp Đông Bình, xã Tân Thuận Đông cho hay, gia đình ông chủ yếu là làm mướn kiếm sống nên không có tiền di dời, cất nhà ở nơi mới. “Cũng biết sống ở đây là nguy hiểm nhưng ráng nán lại để chờ vốn vay ngân hàng rồi mới chuyển lên khu dân cư” – ông Hồng tâm sự.

Không riêng người dân khu vực sạt lở bến đò Hòa An - Tân Thuận Đông, những khu vực khác trên địa bàn TP.Cao Lãnh, tình hình sạt lở cũng đang diễn biến hết sức khó lường. Tại bờ sông Tiền qua ấp Tịnh Hưng, xã Tịnh Thới - khu vực chưa từng xảy ra sạt lở, nhưng trong nửa cuối tháng 9 cũng đã có 3 vụ sạt lở xảy ra, ăn sâu vào đất liền 30m, tổng chiều dài 160m, “nuốt chửng” một đoạn lộ nhựa nông thôn. Nhiều hộ dân nơi đây lâm vào cảnh mất nhà, mất đất, đường giao thông bị chia cắt, phải sống trong mái che tạm bợ.

Anh Võ Anh Tuấn có nhà bị sạt lở sau sự cố trên bàng hoàng nhớ lại, chỉ sau một đêm và sau âm thanh đất đổ sầm xuống sông, căn nhà tường kiên cố đã nằm ngay bên vực sông thẳng đứng. Để đảm bảo an toàn tính mạng, gia đình anh cùng các hộ xung quanh di dời khẩn cấp ra tấm lều tạm. Cuộc sống gia đình lúc đó hoàn toàn đảo lộn.

Theo báo cáo của UBND TP.Cao Lãnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố xảy ra 12 điểm sạt lở tại xã Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Mỹ Ngãi, phường 6, Tịnh Thới. Trong đó, điểm sạt lở nghiêm trọng nằm trên địa bàn xã Hòa An, Tân Thuận Đông và Tân Thuận Tây. Để khắc phục tình hình sạt lở, UBND thành phố đã tổ chức vận động người dân di dời khỏi khu vực sạt lở và xét bố trí dân cư sạt lở. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án ngành nông nghiệp đã áp dụng biện pháp khẩn cấp triển khai thả bao cát lấp hố xoáy để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Hổ Cứ.

Thi công các công trình để kịp thời ứng phó

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh có tổng số 5.978 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Trong đó, hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cự ly từ mé bờ sông trở vào 30m là 3.538 hộ; hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cự ly từ 30m đến 60m là 2.440 hộ. Từ đầu năm tới nay, địa phương đã vận động và hỗ trợ 116 hộ vùng sạt lở nguy hiểm di dời đến nơi an toàn.

Trước tình hình trên, để tránh thiệt hại về người và tài sản do sạt lở, tỉnh đã tiếp tục thi công các công trình hạ tầng thiết yếu trong 53 các cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 (46 cụm, tuyến đợt 1 và 7 cụm, tuyến bổ sung). Đến nay, có 13.861/15.193 hộ xây dựng nhà ở trong các cụm tuyến dân cư đã hoàn thành, chiếm 91%.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương phải tổ chức theo dõi sát tình hình sạt lở, cắm biển báo, ứng phó kịp thời khi có sạt lở xảy ra; thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo tình hình sạt lở trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân chủ động phòng tránh và tuyệt đối không cho xây dựng các công trình nhà cửa và cơ sở hạ tầng khu vực này. Ngoài ra, các địa phương cần vận động và hỗ trợ các hộ dân nằm trong vành đai sạt lở di dời nhà cửa, cơ sở sản xuất, kinh doanh đến nơi an toàn.

UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, đánh giá lòng dẫn để có giải pháp nạo vét khai thông luồng, giảm tốc độ, chỉnh trị dòng chảy... nhằm hạn chế sạt lở, bảo vệ dân cư và các tuyến đường giao thông khu vực sạt lở. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sông, nhất là tại các khu vực đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng.

Trong buổi làm việc với đoàn công tác về phòng, chống thiên tai do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu vào cuối tháng 9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cũng đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ địa phương xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư trên địa bàn 7 địa phương để di dời khẩn cấp 2.440 hộ dân đang nằm trong vành đai sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao xảy ra bất cứ lúc nào. Kinh phí thực hiện khoảng 657 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, qua ghi nhận thực tế, từ đầu năm 2018 đến tháng 10/2018, sạt lở đã xảy ra tại 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố gồm: huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông, Châu Thành, TX.Hồng Ngự và TP.Cao Lãnh. Trong đó, bờ sông Hổ Cứ, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh; xã Bình Thành - huyện Thanh Bình, xã An Hiệp – huyện Châu Thành, xã Long Thuận - huyện Hồng Ngự là các khu vực sạt lở trọng điểm. Với tổng chiều dài sạt lở 26,1km, diện tích sạt lở 5,72ha, ước sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu đã gây thiệt hại khoảng 12,62 tỷ đồng.

Nguồn: Thảo Vy - (baodongthap.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống