Trăm thứ phải chi
Theo nhiều người, sau một năm vất vả, dành dụm, Tết là khoảng thời gian “vàng” để mua sắm. Bắt trúng tâm lý này nên nhiều công ty, trang mạng đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhân dịp cuối năm. Vì vậy, nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng, chị em rất dễ “rinh” về nhà những món hàng đắt tiền nhưng hiệu quả sử dụng không cao, thậm chí lãng phí.
Chị em cần tính toán, cân đối chi tiêu cuối năm hợp lý, tiết kiệm. Ảnh: TRÂM ANH
Theo nhiều chị em, cần nhất là phải có kế hoạch chi tiêu cụ thể, tránh việc mua sắm tùy hứng, để hạn chế tối đa tình trạng thâm hụt sau Tết. Chị Nguyễn Thị Hồng (quận Ninh Kiều) kể: “Năm nào tôi cũng bị lạm tiền ở khoản chi mua sắm quần áo Tết cho con. Thấy ở đâu bán quần áo đẹp là mua không chút do dự. Năm trước, cũng vì ham giá rẻ, tôi mua rất nhiều quần áo khuyến mãi nhưng mang về lại mặc không vừa, đổi trả không được nên cứ để ngắm…”. Tương tự chị Hồng, nhiều chị em cũng rơi vào tình trạng không kiềm chế được bản thân khi mua sắm. Cận ngày Tết, chị em nhận ra còn có quá nhiều thứ chưa sắm nên cuống cuồng, thậm chí bị stress. Chị H. (quận Ninh Kiều) kể: “Vì là người quản lý tiền bạc trong gia đình nên vào những ngày cuối năm tâm trạng tôi rất căng thẳng. Không chỉ lo quán xuyến, chuẩn bị trong ngoài mà vấn đề cân đối chi tiêu luôn làm tôi đau đầu”.
Chia sẻ về việc chuẩn bị Tết, nhiều chị em cho rằng việc sắm sửa quà biếu, hiếu hỉ hai bên gia đình cũng là điều cần quan tâm. Chị Hồng Nhung (huyện Phong Điền) tâm sự: “Tôi kết hôn gần 3 năm nhưng năm nay là năm đầu tiên tôi về quê chồng ở Bắc Ninh ăn Tết. Mọi thứ đều quá bỡ ngỡ, xa lạ. Tôi đang tham khảo một số bạn bè xem nên mua tặng ba mẹ chồng quà gì, rồi việc chuẩn bị bánh trái, nấu ăn bày cúng tổ tiên cũng phải học hỏi. Tôi cũng tính toán đến khoản chi phí đi lại, quà biếu, lì xì người thân phải sao cho hợp lý, chu toàn”. Năm nay về quê, vợ chồng chị Nhung xác định qua Tết phải “cày” gấp đôi, gấp ba để bù đắp vào khoản chi phí thâm hụt; đồng thời, thực hiện phương châm tiết kiệm tối đa, không “vung tay quá trán” gây khó xử cho cả hai.
Sắm Tết tiết kiệm
Chị Nguyễn Thanh Dung (quận Ninh Kiều) tâm sự vui: “Lúc trước, tôi và con gái hay đi siêu thị mua sắm Tết nên lúc nào cũng “bội chi”. Năm ngoái, rút kinh nghiệm, tôi đưa ông xã đi cùng nên mua sắm không nhiều lắm”. Cũng theo chị Dung, phụ nữ thường bị “lóa mắt” bởi những mặt hàng khuyến mãi, giảm giá nên cứ tha hồ mua sắm. Trong khi đó, nam giới thì thực tế hơn nên có ông xã đi cùng vừa để xách hàng phụ vừa có thể “can gián” chị kịp thời.
Tương tự, rút kinh nghiệm của nhiều năm trước, ngay từ trước Tết hơn 1 tháng, chị Thu Lan (quận Bình Thủy) đã lên danh sách tất cả những việc phải làm, những thứ cần mua trong dịp Tết. Theo đó, chị chia nhỏ các khoản tiền cần phải chi nên không bị rối. Chị Thu Lan chia sẻ: “Hai vợ chồng lương thưởng cộng lại cũng khoảng 15 triệu đồng nhưng số tiền phải chi lì xì, mua sắm, chi phí đi lại cũng ngót ngét 13 triệu đồng, còn phải chừa lại một ít để qua Tết trang trải cuộc sống gia đình, đóng học phí cho con…”.
Để sắm Tết tiết kiệm, nhiều chị em chọn cách tranh thủ sắm quần áo, giày dép mới cho các thành viên trong gia đình từ sớm để mua được hàng giá rẻ; hay có cơ hội tham gia các chương trình khuyến mãi, đồ thanh lý, xả hàng cuối năm… Một số chị thì chọn cách hùn hạp với bạn bè, đồng nghiệp cơ quan để đặt mua với số lượng lớn rồi chia ra để được giá rẻ… Chị Thu Lan tâm sự: “Hầu hết các siêu thị, cửa hàng đều mở cửa bán lại từ mùng 2 Tết nên thực phẩm tôi chỉ mua vừa đủ. Còn gói bánh Tét và làm mứt dừa thì tôi hùn với mấy chị em trong xóm mua nguyên liệu về làm, vừa vui vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm”.
Dịp Tết, có rất nhiều khoản phải chi nên chị em tiết kiệm được chừng nào hay chừng ấy. Nhiều chị em sử dụng các nguyên liệu “cây nhà lá vườn” để làm bánh mứt, hoặc tự muối cải, muối dưa, làm kim chi, củ kiệu… để tiết giảm chi phí; cũng có chị tận dụng, sửa sang, chùi rửa những đồ đạc cũ để sử dụng; hoặc thanh lý vật dụng cũ, thu gom giấy vụn vừa thu dọn nhà cửa gọn gàng, sạch đẹp vừa có chút đỉnh tiền mua sắm đồ mới… Chị Thanh Dung chia sẻ: “Phong trào nuôi heo đất của mấy chị phụ nữ thấy nhỏ vậy mà hay. Cứ “tích tiểu thành đại” mỗi ngày mấy đồng lẻ, cuối năm khui ra cũng sắm được vài ba món đồ mới”.