Khởi kiện vì thu hồi đất trái pháp luật
Theo đơn của các hộ dân trình bày, nguyên vào ngày 8/7/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 2016/QĐ-UB về việc thu hồi và giao 1.632.122,60 m2 đất tọa lạc tại ấp Mỹ Hưng 2 và ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh cho Ban quản lý dự án các khu công nghiệp Vĩnh Long quản lý để xây dựng khu công nghiệp Bình Minh.
Cùng ngày UBND tỉnh này cũng đã ban hành Quyết định số 2017/QĐ-UB về việc thu hồi và giao quyền sử dụng đất 300.169 m2 đất tọa lạc tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hòa, huyện (nay là thị xã) Bình Minh cho Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mekong để xây dựng khu nhà ở phục vụ khu Công nghiệp Bình Minh nhưng về thực tế tất cả 162 ha đất đều đã giao cho Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại địa ốc Hoàng Quân (theo văn bản số 440/UB ngày 15/9/2004 của Ban Quản lý các khu Công nghiệp).
Đơn kêu cứu của tập thể các hộ dân.
Không đồng ý với Quyết định thu hồi đất nêu trên nên các hộ dân bị thu hồi đất đã khiếu nại với các lý do không ai nhận được quyết định thu hồi đất cá nhân, thủ tục tiến hành là trái pháp luật, người ký quyết định thu hồi không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, việc khiếu nại này lại không được chính quyền địa phương giải quyết và bác bỏ.
Sau đó, do quá bức xúc các hộ dân này tiếp tục khiếu nại về Trung ương và đến ngày 26/12/2007, Thanh tra Chính phủ đã có Báo cáo số 2746/BC-TTCP về kết quả thanh tra việc giải quyết khiếu nại của một số hộ dân liên quan đến Khu công nghiệp Bình Minh, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Tại văn bản số 132/VPCP.VH ngày 29/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Giao Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thực hiện nghiêm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; đồng thời tổ chức kiểm điểm những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án được Thanh tra Chính phủ làm rõ, kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý I năm 2008”.
Dựa trên ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì vào ngày 3/4/2008, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản số 11/TTr-UBND xin thay đổi hình thức đầu tư và điều chỉnh diện tích Khu công nghiệp Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Đến ngày 13/5/2008, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 700/TTg.KTN cho phép Khu Công nghiệp Bình Minh tỉnh Vĩnh Long được thay đổi hình thức đầu tư từ 100% vốn nước ngoài sang 100% vốn trong nước…Đồng thời, trong văn bản Thủ tướng có nhắc lại UBND tỉnh Vĩnh Long phải thực hiện nghiêm túc việc giải quyết khiếu nại của các hộ dân liên quan đến Khu Công nghiệp Bình Minh.
Tuy nhiên, trên mặt thực tế, các đề nghị này của UBND tỉnh chỉ để hợp thức hóa chuyện đã làm xong từ… 4 năm trước, Công ty Hoàng Quân đã “thay cho các nhà đầu tư nước ngoài” từ năm 2004, đã nhận 30 ha và rao bán nền nhà từ năm 2004.
Đến ngày 9/7/2009, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức đối thoại với 22 hộ dân có khiếu nại. Ngày 27/12/2016, UBND tỉnh có đối thoại với 17 hộ dân, trong đó có vấn đề thu hồi đất không đúng pháp luật.
Sau buổi đối thoại với UBND tỉnh, những hộ dân này thấy UBND tỉnh Vĩnh Long chưa giải quyết thỏa đáng trong việc giải quyết khiếu nại của mình nên đã khởi kiện sự việc ra Tòa án hành chính yêu cầu hủy quyết định hành chính số 2016/QĐ-UB ngày 8/7/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc thu hồi đất trái pháp luật của các hộ gia đình, người khởi kiện với lý do Quyết định hành chính về việc thu hồi đất là quyết định của Ủy ban nhân dân (cơ quan), chứ không phải của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Quyết định hành chính về việc thu hồi đất của hộ gia đình/cá nhân thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Quyết định hành chính về việc thu hồi đất phải là quyết định với từng cá nhân/hộ và phải được tống đạt đến cá nhân/hộ gia đình.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, các hộ dân trong vụ việc bức xúc cho biết, các biện minh của UBND tỉnh đều không đúng, các căn cứ nêu ra đều trái với pháp luật. Bởi lẽ, người khởi kiện khởi kiện về thẩm quyền thu hồi đất. Trong khi, UBND lại biện minh bằng các điều khoản pháp luật về… giao đất.
Ngoài ra, tại Quyết định 2016/QĐ-UB có hai mục đích là thu hồi và giao đất là trái với quy định pháp luật. Vì để thực hiện việc thu hồi đất thì phải tuân thủ thẩm quyền về quy định thu hồi đất, để thực hiện giao đất thì phải tuân thủ thẩm quyền về giao đất. Quan hệ pháp luật “thu hồi đất” và “giao đất” có quy định về thẩm quyền khác nhau; không có điều khoản nào quy định thẩm quyền thu hồi đất hộ cá nhân (hoạt động nông, lâm nghiệp) là của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Các hộ dân cùng đứng đơn kêu cứu.
Mặt khác, tại điều 32 Luật Đất đai 2003 có quy định: “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện khi có quyết định thu hồi đất đó”. Như vậy, Nhà nước phải thu hồi đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, sau đó mới giao cho chủ đầu tư dự án, việc giao đất chỉ thực hiện sau khi đã xong giai đoạn thu hồi. Việc sử dụng thẩm quyền giao đất để coi đó là thẩm quyền thu hồi đất là trái pháp luật.
Bên cạnh đó, theo quy định của tất cả các Luật Đất đai, việc thu hồi đất là thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân, quyết định thu hồi đất phải là Ủy ban Nhân dân. Và như vậy, việc thu hồi 162 ha đất của các hộ gia đình, cá nhân được thực hiện bằng Quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long là không đúng pháp luật. Quyết định 2016/QĐ-UB, ngày 08/7/2004 là vi phạm nghiêm trọng về chủ thể ban hành quyết định.
Đồng thời, thẩm quyền thu hồi đất, thẩm quyền giao đất quy định trong các Luật Đất đai 1987, 1993, 2003, 2013 là của Ủy ban Nhân dân có thẩm quyền, chỉ có Ủy ban Nhân dân mới có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính về việc thu hồi đất, về giao đất. Thế nhưng, Quyết định 2016/QĐ-UB, ngày 08/7/2004 lại do Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành là trái pháp luật.
Những điểm bất thường tại các phiên tòa
Cũng theo các hộ dân cho biết thêm là nhận thấy có sự việc không khách quan, vô tư trong khi giải quyết vụ án tại các phiên tòa. Vì kết quả Tòa án vẫn tuyên theo ý của UBND tỉnh.
Cụ thể, trong phiên tòa ngày 5/10/2017, dù đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Long cho rằng “trong quá trình triển khai thực hiện dự án, cơ quan triển khai thực hiện sai sót trong thủ tục tiến hành, cũng như UBND cấp huyện không ra quyết định thu hồi đất cho từng hộ cá nhân là trái quy định tại khoản 2 điều 44 Luật Đất đai năm 2003 (theo báo cáo kết luận số 2746 ngày 26/12/2007 của Thanh tra Chính phủ)…”. Thế nhưng cuối cùng Tòa vẫn “căn cứ điều 28 Luật Đất đai năm 1993, điểm b, khoản 1 điều 2 Nghị định số 66/2001/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2000/NĐ-CCP ngày 11/02/2000 về thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai” để tuyên bác yêu cầu của người khởi kiện.
Bên cạnh đó, trong phiên Tòa ngày 21/11/2017, phía người khởi kiện đã trả lời Hội đồng xét xử cho rằng Quyết định 2016/QĐ-UB chỉ là quyết định giao đất cho nhà đầu tư (không có vấn đề thu hồi đất), phía bị kiện là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long cũng khẳng định như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng phía bị kiện cho rằng không có việc thu hồi đất của nhân dân để khỏi bị thưa kiện. Sau đó chính chủ tọa phiên Tòa đã gợi ý để UBND tỉnh Vĩnh Long rút lại lời phát biểu để vẫn xử thu hồi đất.
Với những tình tiết trên, dư luận đang hồi hộp và đặt ra nhiều câu hỏi, liệu người dân “thấp cổ bé họng” có đủ sức tranh đấu vì lẽ phải với cơ quan công quyền? Và liệu cơ quan tố tụng, thực thi pháp luật có làm đúng quy định của pháp luật?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.