Nỗ lực đưa nước sạch đến với người dân

Thứ năm, 30 Tháng 5 2019 09:57 (GMT+7)
Hơn 1.500 công trình cấp nước nông thôn được triển khai trong toàn tỉnh Long An đã góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều công trình cấp nước được đầu tư xây dựng nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh

Nhiều công trình cấp nước được đầu tư xây dựng nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh

Miền hạ vẫn thiếu nước cục bộ vảo mùa khô

Cách đây hơn 1 tháng, trung bình mỗi ngày, 4 xe nước của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cần Giuộc luân phiên cấp nước miễn phí cho các hộ dân thuộc các xã vùng hạ của địa phương. Có lúc, tình trạng thiếu nước xảy ra nghiêm trọng, giá nước sạch rất cao, từ 100.000-200.000 đồng/m3. Tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, trong đợt cao điểm nắng nóng vừa qua, hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước. Không chỉ có Tân Tập, tất cả 5 xã vùng hạ của huyện cũng thiếu nước. Có thời điểm phải cắt nguồn nước cấp để cấp luân phiên cho từng xã nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân.

Tương tự, một số xã vùng thượng của huyện Cần Đước như Long Sơn, Long Cang, Tân Trạch cũng thiếu nước trong mùa khô. Chị N.T.T, ngụ ấp 5, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Nhiều năm nay, một số khu vực thuộc xã Tân Trạch luôn xảy ra tình trạng thiếu nước. Tại khu vực ấp 5, từ khoảng tháng 8 năm trước đến nay, người dân không có nước để sử dụng, lúc có cũng chỉ được 1-2 ngày. Chúng tôi phải trữ nước mưa để sử dụng. Mong rằng các cấp, các ngành quan tâm đầu tư hệ thống cấp nước để khắc phục tình trạng thiếu nước như hiện nay”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thành Nhanh cho biết: “Cuối tháng 4, đầu tháng 5 là cao điểm mùa khô, lượng nước sinh hoạt cấp cho người dân không bảo đảm dẫn đến nhiều khu vực thiếu nước nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần là nhu cầu sử dụng nước tăng cao, một phần do quá trình thi công đường ống nước của Đường tỉnh 830 khiến việc cấp nước bị ách tắc hơn 1 tuần. Trong khi đó, hệ thống cấp nước do tư nhân đầu tư đã hoàn thành nhưng nguồn cung cấp nước lấy từ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn vẫn chưa hoàn thành để đấu nối”.

Còn nhiều khó khăn trong cấp nước

Theo phân vùng cấp nước tại huyện Cần Đước, việc cấp nước hiện nay được thực hiện chủ yếu bởi 2 đơn vị: Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An chịu trách nhiệm cấp nước cho các xã vùng thượng, các xã vùng hạ và thị trấn Cần Đước do Công ty Nước và Môi trường Cần Đước thực hiện. Hiện Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An đang đầu tư nhưng tiến độ còn chậm. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, đơn vị này mới hoàn thành hệ thống tuyến ống chính.

Đối với Công ty Nước và Môi trường Cần Đước thực hiện cấp nước với công suất thiết kế gần 2.800m3/ngày đêm, ngoài cấp nước cho các xã vùng hạ của huyện Cần Đước, thị trấn Cần Đước, còn san sẻ cho một phần huyện Cần Giuộc. Thời gian qua, việc cấp nước của đơn vị này vẫn chưa đạt yêu cầu do công suất không bảo đảm, hệ thống dẫn nước chưa được phủ kín dẫn đến có thời điểm xảy ra thiếu nước cục bộ ở một số địa phương. Cùng thời điểm này, đơn vị cấp nước Hoàng Long cũng không bảo đảm nguồn nước cấp, nước kém chất lượng buộc phải ngưng khiến các xã: Long Sơn, Long Cang thiếu nước cục bộ trong một thời gian khá dài. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trong huyện, các doanh nghiệp cung cấp nước trên địa bàn phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước cũng như bảo đảm việc khai thác nước hợp lý. Cùng với đó, người dân cần sử dụng nước tiết kiệm để giảm áp lực cung cấp nước cho các nhà máy trong những tháng cao điểm.

Tại huyện Cần Giuộc, sau khi đầu tư nhiều dự án để đưa nước về 5 xã vùng hạ, các trạm tăng áp, mạng lưới dẫn nước cơ bản hoàn thành nhưng tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra. Theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cần Giuộc - Phạm Tấn Lợi, các xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc không khai thác được nguồn nước ngầm nên bắt buộc địa phương phải tìm nguồn nước cấp từ bên ngoài. Huyện đã thỏa thuận với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn thực hiện việc cấp nước với lưu lượng ước tính khoảng 30.000m3/ngày đêm. Khi thực hiện, địa phương cũng chủ động đầu tư và kêu gọi đầu tư các trạm tăng áp và hệ thống cấp nước. Đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành 6 trạm tăng áp phục vụ việc cấp nước tại 5 xã vùng hạ cùng mạng lưới cấp nước phủ khắp. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là những công trình này tuy đã được đầu tư nhưng phải chờ vì chưa thể tiếp nhận nguồn nước cấp từ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn. Nguyên nhân, hiện nay phía Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn còn vướng mặt bằng do ảnh hưởng từ việc thi công công trình đường dẫn cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây tại nút giao thông huyện Bình Chánh trước khi thực hiện việc đấu nối qua cầu Ông Thìn về Cần Giuộc. Huyện Cần Giuộc đã làm việc với huyện Bình Chánh và lãnh đạo huyện hứa hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh
làm việc với UBND TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại khu vực này để đến tháng 7 năm nay sẽ có mặt bằng thi công tuyến ống. Mặt khác, đối với nhánh cấp nước lấy nước từ Nhà Bè cho các xã: Long Hậu, Phước Lại, Phước Vĩnh Tây, huyện cũng làm việc với Công ty Cấp nước Nhà Bè để nâng công suất cấp nước từ 3.000m3/ngày đêm lên khoảng 4.000m3/ngày đêm nhằm bảo đảm cấp đủ nước cho người dân. “Nếu nguồn nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn được đấu nối vào mạng lưới cấp nước của huyện như kế hoạch, tình trạng thiếu nước sẽ không còn” - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cần Giuộc - Phan Tấn Lợi cho biết.

Hiện toàn tỉnh có trên 1.500 trạm cấp nước phục vụ hơn 171.500 hộ dân

Hiện toàn tỉnh có trên 1.500 trạm cấp nước phục vụ hơn 171.500 hộ dân

Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu cấp nước 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có trên 1.500 trạm cấp nước nông thôn, đáp ứng nhu cầu cho trên 171.500 hộ dân. Đến thời điểm hiện tại, qua khảo sát, hộ sử dụng nước sạch đạt 36,44% và hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 98%. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra chỉ tiêu, năm 2019, Long An có 40% hộ dân được sử dụng nước sạch và đến năm 2020 là 45%.

Để hoàn thành chỉ tiêu này, năm 2018 và năm 2019, toàn tỉnh triển khai 14 dự án cấp nước lớn với số vốn khoảng 50 tỉ đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết. Mới đây, HĐND tỉnh cũng quyết định điều chuyển 12 tỉ đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới đầu tư xây dựng 4 trạm cấp nước sạch, gồm: Trạm Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa (khoảng 2,8 tỉ đồng), Trạm cấp nước ấp Rọc Đô, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng (khoảng 3,6 tỉ đồng), Trạm cấp nước xã Vĩnh Đại - Tuyên Bình Tây (khoảng 2,5 tỉ đồng) và Trạm cấp nước Tân Bửu, huyện Bến Lức (3 tỉ đồng). Hiện các dự án này đã có hồ sơ thiết kế, chuẩn bị khởi công, dự kiến đến tháng 4-2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.

“Trước mắt, ngành nông nghiệp phối hợp các ngành liên quan yêu cầu đơn vị thi công các dự án cấp nước đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Mặt khác, ngành cũng tập trung vận động người dân và các nhà đầu tư đang quản lý các trạm cấp nước cộng đồng, trạm cấp nước tư nhân tiếp tục đầu tư nâng chất lượng nước đạt chuẩn theo quy định nước sạch. Đối với những đơn vị cấp nước chủ lực tại các huyện: Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An, ngành đề nghị có giải pháp nâng công suất cấp nước cũng như mở rộng địa bàn cấp nước cho người dân. Song song đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch, cũng như cùng với Nhà nước tham gia đóng góp để tiếp tục xây dựng các trạm cấp nước” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm cho biết./.

Ngày 20/4/2019, Nhà máy nước Nhị Thành, huyện Thủ Thừa chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng với công suất thiết kế 80.000m3/ngày đêm, đạt chuẩn nước sạch theo quy định của Bộ Y tế với tổng số vốn đầu tư khoảng 650 tỉ đồng. Việc đưa vào vận hành, khai thác Nhà máy nước Nhị Thành sẽ cung cấp nguồn nước sạch cho các huyện: Thủ Thừa, Bến Lức và một phần huyện Cần Đước, Cần Giuộc, góp phần nâng tỷ lệ cấp nước sạch tại tỉnh.
Kiên Định - (baolongan.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống