Ông Long vá đường không công

Thứ hai, 03 Tháng 6 2019 08:26 (GMT+7)
Cách đây 6 năm, ông Cao Văn Long (ngụ khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) bàn với vợ về chuyện ông muốn đi vá đường vì thấy nhiều nơi xuất hiện "ổ gà", "ổ voi" gây tai nạn giao thông.

Được vợ đồng tình, ông đi nhặt các mảnh nhựa đường từ các công trình giao thông loại ra, mang về tách lấy phần đá to. Phần nhựa đường và đá nhỏ được ông dùng dầu lửa rải vào và ủ qua đêm để tạo kết dính. Khi dặm vá "ổ voi", "ổ gà", ông vệ sinh mặt đường rồi phết dầu, đổ đá và cho phần nhựa đường băm nát xuống, sau đó dùng đá nện mạnh cho bằng và tận dụng các phương tiện lưu thông trên đường giúp bề mặt chỗ được dặm vá thêm kết dính, nén chặt.

"Làm chuyên nghiệp thì khác, chứ tôi thì đơn giản chỉ sử dụng dầu lửa đốt nóng cho chảy nhựa làm chất kết dính. Tận dụng trời nắng nóng, mình đem nhựa đường ra mấy chỗ cần vá, dằn thêm chút đá mi. Sau đó, dùng búa nện cho tạm dính để nhờ ôtô của người đi đường cán qua là được rồi" - ông Long nói rõ hơn.

Những ngày này, trời nắng như đổ lửa nhưng ông Long vẫn cùng chiếc xe đạp cà tàng chở những chiếc giỏ đựng đầy nhựa đá, búa và dầu lửa rong ruổi trên đường để tìm "ổ gà", "ổ voi". Phát hiện được điểm nào là ông dùng thanh tre có gắn bọc giấy trắng làm tín hiệu cho các phương tiện lưu thông biết mà tránh.

Ông Long vá đường không công - Ảnh 1.

Ông Cao Văn Long vá một chỗ đường hỏng tại TP Long Xuyên

Ông Long bộc bạch: "Trước đây, mỗi lần chở vợ đi lấy rau cải về bán, thấy nhiều người bị vấp "ổ gà" té gây thương tích nên động lòng. Chính vì vậy, bất kể ngày nắng hay mưa, tôi đều đi làm công việc mà nhiều người cho là chuyện bao đồng. Bây giờ thì đỡ tốn kém rồi, vì có một số doanh nghiệp ở địa phương tài trợ cho tôi phần nhựa đường và đá. Đường sá lành lặn, người ta đi không gặp tai nạn thì mình thấy vui nhất rồi, còn gì bằng. Đường còn hư, mình còn tiếp tục làm hoài thôi".

Chị Trương Thị Băng Châu, hàng xóm của ông Long, kể có lần thấy ông Long ra tiệm tạp hóa mua dầu lửa nên hỏi mua chi nhiều thì được ông trả lời là mua về làm công chuyện. Thế rồi một ngày nọ, chị thấy ông ngồi lấy búa đập đập xuống mặt đường nên tò mò hỏi thăm, mới biết ông đang vá đường không công.

"Lúc đầu, ông Long bỏ tiền túi ra làm dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Đã vậy, khi có được bao nhiêu tiền từ nghề vá xe đạp và một ít tiền lời bán rau cải của vợ thì ổng lại dồn hết để mua dầu lửa, đá mi, xi-măng... Gần đây, có một doanh nghiệp tài trợ nhựa đường nên ông đỡ được phần nào cho việc làm thiện nguyện này" - chị Châu kể.

Mới đây, ông Long được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể gửi thư cảm ơn. Thư viết: "Thay mặt ngành giao thông vận tải, tôi xin chân thành cảm ơn ông về việc làm nhân văn và đầy ý nghĩa này... Việc làm, nghĩa cử cao đẹp của ông là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo".

Ban đầu, nhiều người bảo khùng nhưng ông không nao núng. Ngày qua ngày, mọi người cảm nhận được việc làm ý nghĩa này nên ủng hộ dầu lửa, đá mi rồi cả thứ đắt tiền nhất là nhựa đường.
Bài và ảnh: Thốt Nốt - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống