Huyện Phú Tân có 6 cửa biển lớn nhỏ gồm: Cái Đôi Vàm, Cái Cám, Công Nghiệp, Gò Công… Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng khai thác đạt 9.525 tấn. Hiện nay huyện có đến 525 tàu khai thác. Trong đó số lượng tàu dưới 20 CV là 121 chiếc, tàu từ 20 CV đến 90 CV là 286 chiếc, tàu trên 90 CV là 118 chiếc.
Ngư dân không được chủ quan
Nhiều ngày mưa gió nên ông Huỳnh Văn Thắng, Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, không ra biển.
Phó phòng NN&PTNT huyện Phú Tân Tô Hoàng Nhàn cho hay: “Gần đây, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh bắt trên biển của bà con ngư dân. Cho nên vào đầu mùa mưa, ngành chức năng như Phòng NN&PTNT, bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ tuyên truyền, kiểm tra tại các cửa biển tập trung tàu đánh bắt. Dù là phương tiện lớn nhỏ vẫn phải đảm bảo đủ các điều kiện, trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ phòng chống thiên tai thì mới được hoạt động”.
Đặc biệt, Phòng NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra công tác đảm bảo việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cam kết đối với các tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị này. Qua công tác tuyên truyền, chủ động kiểm tra, đôn đốc đã góp phần nâng cao ý thức và kinh nghiệm phòng chống thiên tai, bão lụt cho ngư dân hoạt động trên biển.
Ông Huỳnh Văn Thắng có trên 30 năm hoạt động nghề đánh bắt ven biển. Tàu đánh bắt của ông có công suất trên 90 CV. Ông Thắng cho hay: “Cả tháng nay tôi đậu ghe, không ra biển. Trời mưa và có gió mình không chủ quan được. Với kinh nghiệm mấy chục năm làm biển, chỉ cần nhìn mây tôi cũng có thể đoán được tình hình thời tiết. Mấy chục năm nay chưa lần nào cha con tôi gặp phải sóng lớn. Đánh bắt là lâu dài, hễ nghe có gió là rút vô. Kinh nghiệm của bà con ngư dân là lúc mưa gió thì có nhiều cá, tôm nên mê đánh bắt, rất nguy hiểm”.
“Ngoài những phương tiện có công suất lớn, ngành chức năng cũng chú ý các phương tiện thuỷ gia dụng. Mặc dù đã có quy định và cảnh báo nhưng không ít phương tiện vẫn hoạt động. Đặc biệt vì gánh nặng mưu sinh nhiều phương tiện đánh liều nguy hiểm trên biển vào thời tiết mưa gió”, ông Tô Hoàng Nhàn cho biết thêm.
Khó khăn trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Toàn huyện có 106 tàu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng đến nay số lượng tàu đã lắp đặt chỉ có 6 chiếc. Các phương tiện còn lại Phòng NN&PTNT đang phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tuyên truyền và ký cam kết. Dù mang lại nhiều lợi ích cho bà con ngư dân khi đánh bắt trên biển, song đến nay, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tại huyện Phú Tân vẫn còn nhiều khó khăn, làm hạn chế công tác phòng chống thiên tai, lụt bão của địa phương.
Thị trấn Cái Đôi Vàm là nơi có cửa biển lớn nhất huyện. Nơi đây tập trung nhiều tàu đánh bắt có công suất lớn. Trong tổng số 106 phương tiện cần lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì thị trấn Cái Đôi Vàm có đến 92 chiếc. Gia đình chị Trần Thị Bích Tuyền ở Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm đã gắn bó với nghề biển gần chục năm nay. Khi mới vào nghề, vợ chồng chị Tuyền dành hết số tiền sắm sửa chiếc tàu có công suất hơn 400 CV. Tìm hiểu thêm mới biết, năm trước gia đình chị còn đầu tư thêm chiếc ghe có công suất lớn trên 90 CV. Hiện tại cả 2 phương tiện đều chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Khi được hỏi lý do không lắp thiết bị giám sát hành trình, chị Tuyền cho biết: “Cũng biết thiết bị này giúp mình đảm bảo an toàn khi đánh bắt trên biển nhưng chưa mua được bộ thiết bị. Cán bộ Phòng NN&PTNT cũng xuống vận động, gia đình đã gia hạn thêm 2 tháng. Trước mắt vợ chồng tôi đang xin lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 1 ghe, khi nào có điều kiện mới lắp đặt tiếp. Dù không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng trên tàu luôn trang bị máy điện đàm, thiết bị báo bão, áo phao…”.
Từ khi tỉnh có văn bản yêu cầu các tàu đánh bắt trên 90 CV phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thị trấn Cái Đôi Vàm đã phối hợp với đồn biên phòng ra sức tuyên truyền, vận động bà con. Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm Tô Trường Sơn trăn trở: “Đây là vấn đề địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay chỉ có 6 chiếc tàu lắp đặt thiết bị giám sát. Nguyên nhân phần lớn là do chưa có kinh phí và ý thức của bà con chưa cao. Người dân nghĩ rằng khi lắp đặt sẽ lộ ngư trường đánh bắt mà không nghĩ rằng nó còn có lợi ích rất lớn trong việc phòng chống thiên tai”./.