Ám ảnh sạt lở

Thứ tư, 10 Tháng 7 2019 09:42 (GMT+7)
Những ngày trung tuần tháng 6, khu vực thị trấn Năm Căn lại rúng động chuyện sạt lở. Dù được cảnh báo nguy cơ sạt lở đất ven sông, nhưng vì tập quán sinh sống khiến một số hộ ở khu vực Khóm 8 phải lâm vào cảnh ăn nhờ ở đậu.

 Khu vực ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh là một trong những điểm nóng về sạt lở hiện nay.

Hoàn cảnh gia đình ông Hoàng Đô có lẽ là một trong những hộ khiến nhiều người chạnh lòng nhất. Ở cái tuổi 76, mái tóc bạc trắng nhưng ông vẫn chưa được an cư. Vụ sạt lở khiến ông không còn nhà để ở. Để an toàn, chính quyền địa phương phải bố trí ông ở tạm trong trụ sở sinh hoạt văn hoá Khóm 8.

Là một trong những hộ nghèo phải chật vật mới có được căn nhà tương đối kiên cố, tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ mọi thứ ông và các con tích góp gần như không còn gì. Chia sẻ về hoàn cảnh, ông Đô rưng rưng: “Căn nhà này do 5 đứa con vay mượn về xây cất. Những tưởng sẽ ổn định vào những năm cuối đời, nào ngờ đâu chưa đầy 10 tháng đã không còn gì. Căn nhà ban đầu dài khoảng 13 m, sau sạt lở hiện còn lại chưa đầy 3 m".

Sau sạt lở chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền, mọi người xung quanh cùng chung tay sửa chữa lại căn nhà, nơi ông sinh sống hơn 30 năm qua. Nhìn sự nhiệt tình của mọi người, ông không giấu được xúc động nhưng cũng lo âu khi thở dài đầy ngao ngán: “Sửa thì sửa vậy thôi nhưng chẳng biết khi nào nó lở mất nữa. Dù biết vậy nhưng cũng phải sửa lại, nếu không tôi không biết đi đâu”.

Cặp vách ông Đô, gia cảnh ông Nguyễn Văn Để cũng không khá hơn mấy. Hai căn nhà liền kề của ông trước đây dài hơn 13 m giờ chỉ còn chưa đầy 5 m. Hiện gia đình ông Để phải di chuyển vật dụng, đồ đạc gởi nhà hàng xóm. Ông Để kể lại, sạt lở diễn ra quá nhanh, trước đó gần như không có biểu hiện gì, chỉ trong vòng 10 phút mọi thứ đã bị nhấn chìm hoàn toàn, kể cả trụ bê tông.

Không thuộc diện nạn nhân của đợt sạt lở lần này nhưng khi nhắc đến nó, ông Phúc (Nguyễn Gia Phúc, Khóm 8) rùng mình. Hành nghề sửa máy nổ, xét về mặt nào đó chính sông nước là nguồn nuôi sống gia đình ông mấy mươi năm qua. Tuy nhiên, chính con sông này đã lấy đi gần hết tài sản mà ông tích góp mấy mươi năm. Trong hơn 2 năm qua, ông Phúc 2 lần chứng kiến cảnh nhà mình bị nhấn chìm dưới bùn. “Lần này nó không "ghé thăm" nhưng lúc nào nó trở lại thì chưa biết”, ông Phúc chia sẻ với giọng đầy lo âu.

Huyện Năm Căn là một trong những địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do sạt lở. Con sông Cửa Lớn đã mang lại cho hàng ngàn hộ dân nơi đây kế sinh nhai, nhưng nó cũng đã lấy đi của người dân không biết bao nhiêu tài sản mà họ tích góp cả đời mới có được. Dọc theo con sông Cửa Lớn trên địa bàn huyện Năm Căn xuất hiện ngày càng nhiều điểm nóng về sạt lở, tổng chiều dài ước tính trên 5 km, tập trung tại địa bàn xã Hàng Vịnh và thị trấn Năm Căn.

Từng mất trắng căn nhà do một vụ sạt lở diễn ra cách đây gần 2 năm, ông Nguyễn Thái Khương, ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh, bộc bạch: "Sống ven con sông Cửa Lớn này không có gì là chắc chắn, nhất là đang trong thời điểm mùa mưa bão như hiện nay. Sông mang lại cho mọi người thu nhập từ việc kinh doanh mua bán, nhưng nó cũng có thể lấy đi hết bất cứ lúc nào. Tôi từng lâm vào cảnh phải mất trắng cả tài sản tích góp và phải đi ở nhờ nhà hàng xóm".

Nhận định về nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn Trần Đoàn Hùng cho biết, tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện mỗi ngày một nghiêm trọng hơn, gần như năm nào cũng diễn ra, ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con. Đặc biệt là khu vực thị trấn và các xã Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Lâm Hải...

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu tháng 6 đến nay (cao điểm từ ngày 8-10/6/2019), trên địa bàn huyện xảy ra 10 vụ sạt lở, làm thiệt hại 12 căn nhà, 3,2 ha nuôi trồng thuỷ sản, 87 m lộ bê tông, thiệt hại 1,3 tỷ đồng. Trong đó, tâm điểm là thị trấn Năm Căn đã xảy ra 2 điểm sạt lở tại Khóm 8, ven kênh xáng Năm Căn, làm thiệt hại 8 căn nhà của người dân.

Sạt lở thật sự trở thành nỗi ám ảnh của người dân trên địa bàn huyện và cả chính quyền địa phương. Dù rất nỗ lực với nhiều giải pháp từ công trình cho đến phi công trình, nhưng tình trạng sạt lở vẫn là mối đe doạ ngày đêm của hàng ngàn hộ dân. Ông Để kiến nghị, chính quyền địa phương quan tâm sắp xếp để người dân nơi đây có chỗ ở ổn định hơn.

Nói về giải pháp khắc phục sạt lở trên địa bàn huyện, ông Hùng nhận định, nó vượt khả năng của chính quyền địa phương. Dù đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp, nhưng sạt lở vẫn tiếp tục gây ra thiệt hại cho người dân và mức độ mỗi lúc một nghiêm trọng hơn. Về lâu dài, ông Hùng kiến nghị, cần có giải pháp căn cơ hơn là công trình kè, một phần để hạn chế sạt lở, một phần tạo điều kiện cho huyện chỉnh trang đô thị của thị trấn. Song song đó là tiến hành xây dựng các khu tái định cư cho bà con khu vực sạt lở đến sinh sống ổn định./.

Song Nguyễn - (baocamau.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống