Nối TX Bình Minh và vùng giáp ranh qua TP Cần Thơ bằng đường sông có hàng chục chuyến phà/ngày.
Sáng sớm, những chuyến phà nối sông Hậu từ TX Bình Minh sang TP Cần Thơ (và cả chiều ngược lại) nhộn nhịp. Những chiếc xe máy chở đầy hàng hóa từ TX Bình Minh sang TP Cần Thơ và các tỉnh Nam Sông Hậu tiêu thụ.
Tự hào là vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, rau màu an toàn, những “nông sản thế mạnh” của TX Bình Minh “qua Cần Thơ” rất nhiều; trong đó, không ít nông sản “vượt sông” bằng phà.
Bên cạnh, còn có thể kể đến “bắp Bình Minh” dẻo thơm, ngon ngọt nức tiếng từ khi còn phà Cần Thơ cũ (lúc chưa có cầu Cần Thơ).
Xóm bắp nằm ven sông Hậu, thuộc Khóm 3 (phường Thành Phước- TX Bình Minh) bị ảnh hưởng lớn khi cầu Cần Thơ khánh thành- phà Cần Thơ ngừng hoạt động, nhưng hiện vẫn còn đỏ lửa mỗi chiều.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy- một lái bắp ở Khóm 3- cho biết, hàng ngày, xe tải nhà chị tỏa đi khắp các tỉnh ĐBSCL chở về khoảng 5 tấn bắp tươi, đem về nấu liền và tiêu thụ hết trong ngày. Phó Chủ tịch UBND phường Thành Phước- Trần Văn Tám cho hay, xóm bắp còn hàng chục hộ theo nghề. Ngày ngày, bắp nấu từ xóm bắp này mang đi bán khắp các chợ trong tỉnh, đặc biệt là các chợ ở TP Cần Thơ.
Cũng ở phường Thành Phước, chị Nguyễn Thị Lan có thâm niên bán cá “vượt sông” hàng chục năm cho hay, cá tôm bắt từ sông Hậu bán rất đắt ở chợ An Nghiệp (quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ). Sang sông hàng ngày bằng đường phà nên những chuyến phà với chị rất thân thuộc.
Hiện nối từ TX Bình Minh và khu vực lân cận qua TP Cần Thơ có 2 bến đò: Một bến thuộc phường Thành Phước (gần khu vực phà cũ) đối lưu qua bến nằm cuối đường Trần Phú (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), giá vé ở bến này là 7.000 đ/lượt/người và xe máy.
Nằm sát ranh TX Bình Minh, còn có bến đò thuộc xã Thành Lợi (huyện Bình Tân) nối qua Cồn Khương (cũng thuộc phường Cái Khế- TP Cần Thơ), giá vé 6.000 đ/lượt/người và xe máy. Các bến đò này đều chạy bằng phà, mỗi bến chạy hàng chục chuyến/ngày.
Ngành chức năng cần thắt chặt an ninh, an toàn… khu vực bến phà.
Vì sao đã có cầu Cần Thơ mà khách đi phà qua sông Hậu qua lại giữa Cần Thơ với Vĩnh Long vẫn đông?
Theo ghi nhận của chúng tôi, do một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên, công nhân viên, người mua bán… hai bên bờ có nhu cầu qua lại hàng ngày. Chưa kể, nhu cầu chuyên chở, thông thương hàng hóa giữa hai bên rất lớn.
Anh Phạm Văn Đức nhà ở phường Cái Vồn (TX Bình Minh), làm việc ở TP Cần Thơ cho hay, anh thường xuyên đi phà vì chỉ mất 10- 15 phút, lên phà lại được nghỉ ngơi. Trong khi, nếu đi cầu Cần Thơ phải đi vòng đường lộ dài 20- 30km.
Nếu như các đô thị khác trong tỉnh như TP Vĩnh Long, thị trấn Tam Bình, thị trấn Trà Ôn… có bến phà bởi chưa có cầu sang sông thì từ TX Bình Minh nối qua sông Hậu đã có cầu Cần Thơ nhưng bến phà vẫn nhộn nhịp.
Có thể nói, cùng với cầu Cần Thơ, những chuyến phà nối nhịp giúp thông thương TX Bình Minh- TP Cần Thơ thêm thuận lợi cả đường bộ, đường thủy lẫn đường hàng không.
Cho nên, đâu chỉ để giúp người người vượt sông, điểm tô đô thị thêm một nét duyên, những chuyến phà đô thị này giúp kết nối giao thương, giao lưu văn hóa, tận dụng sự phát triển lan tỏa từ TP Cần Thơ- đô thị trung tâm của ĐBSCL… Qua đó, thúc đẩy sự phát triển đô thị, phát triển kinh tế- xã hội của TX Bình Minh và các vùng lân cận.
Tuy nhiên, chính từ nhu cầu qua lại đường phà rất cao không chỉ của người dân đôi bờ mà còn ở khu vực lân cận và các tỉnh- thành khác.
Cho nên, có thể nói những chuyến phà còn góp phần mang hình ảnh về vùng đất, con người khu vực đô thị nói riêng và các địa phương nói chung đi xa hơn, qua đó, góp phần thu hút đầu tư. Do đó, TX Bình Minh, các địa phương lân cận cần xây dựng hình ảnh đẹp, trong đó, có việc thắt chặt an ninh, an toàn, xây dựng lối ứng xử văn hóa… ngay từ khu vực bến phà.