Nghề đan cần xé - lấy công làm lời

Thứ hai, 22 Tháng 7 2019 10:18 (GMT+7)
Không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng, nghề đan cần xé ở xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy không giàu có nhưng nghề này mang lại thu nhập ổn định cho những người gắn bó.

Một số người dân ở huyện Đức Hòa vẫn bám trụ với nghề đan cần xé để mưu sinh

Nghề đan cần xé tại ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2013. Hiện nay, toàn ấp có 4 tổ với gần 50 hộ duy trì nghề này. Sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ ổn định, nhờ đó mỗi người đan cần xé có thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Bà Nguyễn Thị Của (57 tuổi), có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, vừa thoăn thoắt chẻ nan, vừa chia sẻ, chỉ cần siêng năng, cần mẫn thì nghề này cũng có thu nhập ổn định. Muốn có sản phẩm đẹp, chất lượng, người đan cần xé phải tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Nghề đan cần xé không phải vất vả thức khuya dậy sớm nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Chị Lê Thị Riết (51 tuổi) cho biết: “Nghề đan cần xé không kén người, ai cũng có thể làm được, từ trẻ em đến người lớn tuổi, tùy theo sức khỏe mỗi người mà chọn khâu phù hợp. Các con tôi 13-14 tuổi đã bắt đầu tập tành đan. Lúc đầu, tôi dạy con đan một phần cần xé, sau 1-2 năm quen tay có thể đan hoàn chỉnh”.

Hiện nay, cần xé có giá bán thấp nhất 10.000 đồng/cái, cao nhất khoảng 100.000 đồng/cái, tùy loại.Nếu thạo nghề, mỗi người có thể đan khoảng 15 cần xé lớn hoặc 20-22 cần xé nhỏ/ngày. Những chiếc cần xé này được đem đi bán ở nhiều nơi và hiện nay, một số sản phẩm được xuất khẩu sang nước ngoài. Ngoài thương lái đến tận nơi thu mua, mỗi năm, các tổ còn có hợp đồng bán cần xé cho một số đầu mối tại huyện Trảng Bàng và một số tỉnh lân cận, TP.HCM,...

Theo một số hộ đan cần xé ở ấp Hòa Hiệp 1, sản phẩm làm ra không bị đọng hàng, được tiêu thụ quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào tháng Giêng đến tháng 6 Âm lịch, bởi đây là lúc vào vụ thu hoạch nhiều loại nông sản, nhu cầu sử dụng cần xé tăng cao. Vào khoảng thời gian này, các hộ đan cần xé tăng thêm thợ đan mới đủ hàng giao cho thương lái. Do vậy, lấy công làm lời, nghề đan cần xé giúp cuộc sống ổn định hơn./.

Hoàng Lê - (baolongan.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống