Cà Mau: Cống thuỷ lợi: Xây xong không hoạt động

Thứ hai, 22 Tháng 7 2019 10:32 (GMT+7)
Cống Kênh Xáng Mới, một công trình khá quan trọng trong việc giữ ngọt cho vùng rừng U Minh Hạ, tháo úng xổ phèn cho nhiều xã trên địa bàn huyện U Minh và cả Trần Văn Thời. Tuy nhiên, chỉ mới xây dựng hoàn thành chưa bao lâu đã hư hỏng và không thể thực hiện hết chức năng theo thiết kế ban đầu.

Cùng với cống T29, T25, cống Kênh Xáng Mới giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn mặn giữ ngọt cho vùng ngọt hoá U Minh và một phần huyện Trần Văn Thời, vùng quy hoạch ngọt hoá thuộc Tiểu vùng 2 Bắc Cà Mau. Đây là khu vực ngọt hoá được bảo vệ nghiêm ngặt bởi là vùng đệm cho rừng tràm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Riêng kênh Xáng Mới có chiều dài khoảng 6 km chạy qua 5 ấp của xã Khánh Hội. Người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất lúa và hoa màu. Không chỉ giữ ngọt các cống T29, cống Kênh Xáng Mới và cống T25 còn một vai trò quan trọng là tiêu úng, xổ phèn cho vùng này vào mùa mưa. Tuy nhiên, thời gian gần đây cống Kênh Xáng Mới không thể mở để xổ nước ra biển khiến nhiều người dân trong khu vực bức xúc.

Cống T29 cũng đã từng xảy ra sự cố vào đầu năm 2018.

Chia sẻ về những bức xúc của người dân xung quanh việc cống Kênh Xáng Mới không thể xổ nước, Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba cho biết, qua nhiều buổi tiếp xúc cử tri người dân đều đặt vấn đề về cống Kênh Xáng Mới và rất bức xúc. Theo đó, huyện cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng cống vẫn chưa được sửa chữa hoàn thành, từ đó việc xổ nước phục vụ sản xuất cho người dân trong mùa mưa này là vô cùng khó khăn.

Ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban quản lý dự án công trình NN&PTNT, đơn vị được Sở NN&PTNT uỷ thác làm chủ đầu tư cho biết, đây là khu vực vô cùng nhạy cảm, dù là vùng ngọt hoá được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng vào những năm 2014-2015 nơi đây đã từng xảy ra tình trạng người dân phá đập để chuyển dịch sang nuôi tôm. Trước thực trạng đó, tỉnh đã cho chủ trương đầu tư cống Kênh Xáng Mới nhanh nhất có thể bằng mọi cách và mọi nguồn vốn. Từ đó, ban đã chọn công nghệ cống là cống xà lan, tức đúc nơi khác kéo lại và đánh chìm, có 2 bửng 2 đầu và ở giữa chỉ có một cửa, không có cửa phụ.

Tuy nhiên, xây dựng hoàn thành chưa lâu, còn trong thời gian bảo hành thì vào tháng 3/2018 cống xảy ra tình trạng rò rỉ ron đáy của cửa cống và mặn xâm nhập vào kênh Xáng Mới vài trăm mét, sau đó tiến hành kéo cửa lai dắt để ngăn mặn. “Lúc trước do muốn làm nhanh, làm tiết kiệm nên đã chọn công nghệ cống xà lan, giờ mới thấy hậu quả”, ông Thời phân trần.

Ngoài ra, khu vực này còn 2 cống xổ phụ trợ là T25 và T29, tuy nhiên, hiện nay cống T25 còn vướng mặt bằng khoảng 11 hộ nên vẫn chưa thể thi công hoàn thành theo tiến độ kế hoạch. Qua tìm hiểu được biết, trước đây dự án cống T25 đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai thực hiện dự án nâng cấp đê biển Tây có khoảng hỗ trợ di dời thì các hộ dân trong khu vực cống T25 cũng đòi phải hỗ trợ giống như dự án đê, từ đó không cho xây dựng.

Cống Kênh Xáng Mới thì không thể xổ nước, cống T25 thì chưa thể xây dựng do còn vướng mặt bằng, điều này đồng nghĩa với việc người dân trong khu vực sẽ gặp không ít khó khăn trong vụ sản xuất tới, nhất là trong mùa mưa.

Qua tìm hiểu được biết, không riêng cống Kênh Xáng Mới mà nhiều cống khác trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra tình trạng hư hỏng phải tiến hành khắc phục. Trong tổng số 157 cống do Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi thuộc Sở NN&PTNT đang quản lý, khai thác và đưa vào sử dụng đã có ít nhất 10 cống bị hư hỏng, dù có những cống mới đưa vào vận hành còn trong hạn bảo hành.

Trong hơn 10 cống đã bị hư hỏng có cả cống T29. Dù được đầu tư khá hoành tráng với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng để phục vụ sản xuất của khoảng 44 ngàn héc ta Tiểu vùng II Bắc Cà Mau, tuy nhiên, khi đưa vào vận hành không được bao lâu thì đầu năm 2018 đã xảy ra sự cố hư hỏng. Ngoài ra, tại Tiểu vùng 17, 18, huyện Đầm Dơi cũng đã có 3 cống bị hư hỏng. 

Hàng loạt cống bị hư hỏng quá nhanh khi mới đưa vào vận hành đang là câu hỏi lớn cho các ngành chức năng, công nghệ cống được lựa chọn thi công thời gian qua liệu đã phù hợp với thực tế địa phương? Đây là vấn đề cần có sự nhìn nhận lại một cách nghiêm túc để tránh lãng phí trong đầu tư các công trình thuỷ lợi./.

Nguyễn Phú - (baocamau.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống