Sạt lở gây thiệt hại nặng về tài sản, đất đai của người dân
Điểm sạt lở nguy hiểm mới xảy ra thuộc địa bàn xã Tân An (TX. Tân Châu) gây xâm thực sâu làm hư hỏng đường giao thông. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã đến hiện trường, yêu cầu các đơn vị chức năng phải khẩn trương di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời cảnh báo toàn khu vực. Yêu cầu địa phương phải bố trí đường tạm và có phương án lâu dài đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và việc đi lại của người dân.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ sạt lở, giảm 20 vụ so cùng kỳ (cả năm 2018 xảy ra 62 vụ). Trong đó có 3 điểm sụt lún, nứt đường bờ và 6 điểm sạt lở đất bờ sông, rạch trên các địa bàn: TX. Tân Châu 3 vụ (ở kênh xáng Tân An thuộc địa bàn 3 xã Châu Phong, Long An, Tân An); An Phú 1 vụ (trên sông Hậu thuộc xã Quốc Thái); TP. Long Xuyên 4 vụ (1 vụ trên sông Hậu ở phường Bình Đức, 3 vụ trên rạch Cái Sắn ở phường Mỹ Thạnh); Châu Thành 1 vụ (đoạn sông Hậu tại thị trấn An Châu). Tổng chiều dài sạt lở 527m (An Phú 12m; Tân Châu 65m; Long Xuyên 450m), làm mất 1.469m2 đất, ảnh hưởng đến 9 căn nhà (Long Xuyên 3 căn, Tân Châu 5 căn, An Phú 1 căn)… Ước thiệt hại về đất đai và tài sản khoảng 2,5 tỷ đồng.
Theo Sở TN&MT, các vụ sạt lở xảy ra vừa qua đều nằm trong danh mục cảnh báo hàng năm và đã được chủ động cảnh báo cho người dân nên hạn chế được thiệt hại về tài sản và không gây thiệt hại về người. Đây là những nơi có khúc cua cong, địa chất yếu, mưa nhiều, đông dân cư, nhiều công trình nhà ở gây tăng tải trọng, hoạt động giao thông thủy bộ mật độ cao, khai thác cát trái phép…
Khi xảy ra sạt lở, công tác ứng phó xử lý được tổ chức kịp thời, trong đó lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân tháo dỡ di dời, cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở, cấm lưu thông; có giải pháp tạm thời bảo vệ đường bờ tại các khu vực đoạn cua cong. Đồng thời, Sở TN&MT tổ chức nhanh việc đo đạc, khảo sát địa hình đáy sông, đánh giá nguyên nhân và đưa ra các khuyến cáo để hạn chế tối đa thiệt hại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, thống kê thiệt hại và hỗ trợ người dân kinh phí di dời.
Hiện đang bước vào mùa mưa, nên tình hình sạt lở sẽ còn diễn biến phức tạp, do thời tiết mưa bão và mực nước thay đổi. Sở TN&MT sẽ tiếp tục nâng cao công tác cảnh báo, dự báo sạt lở để chủ động ứng phó. Đồng thời, kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh: chỉ đạo các ngành, các địa phương căn cứ kết quả cảnh báo, chủ động kế hoạch ứng phó theo chỉ đạo của UBND tỉnh (chú ý các đoạn cảnh báo đặc biệt nguy hiểm). Tăng cường quản lý các hoạt động xây dựng, dân cư sinh sống ven sông, rạch, các hoạt động giao thông thủy bộ. Tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân chủ động phòng, chống sạt lở, thiên tai; chuẩn bị quỹ đất cần thiết để bố trí tái định cư khi sạt lở khẩn cấp. Tăng cường giám sát, đánh giá tác động các dự án nạo vét thông luồng và chỉnh trị dòng chảy, điều chỉnh bố trí lại hoạt động khai thác cát sau khi có kết quả nghiên cứu 3 sông: sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao… Về lâu dài, các địa phương cần quy hoạch lại dân cư, sắp xếp di dời dân tránh sạt lở. Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục tranh thủ các chương trình mục tiêu và tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ để bố trí vốn cho các dự án dân cư phòng tránh sạt lở.
Sở TN&MT đã gia tăng phạm vi đo khảo sát đến các kênh, rạch có mật độ giao thông thủy lớn, trong đó có rạch Cái Sắn và rạch Long Xuyên. Theo kết quả quan trắc đợt I-2019 cảnh báo cho mùa mưa năm 2019 cho thấy, toàn tỉnh có 51 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, trong đó 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 11 đoạn ở mức độ trung bình và 3 đoạn ở mức độ nhẹ. Sở TN&MT đang triển khai dự án nghiên cứu địa hình, thủy văn 3 sông: sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao làm cơ sở đánh giá sạt lở và quy hoạch lại hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh. |