Nhà bị tốc mái do giông lốc đang được người dân lợp lại. Ảnh: THÚY HẰNG
Lúa giống chết hàng loạt
Do ảnh hưởng của bão số 3 nên khoảng 4 ngày qua trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện mưa dầm trong thời gian dài. Theo đó, mưa như trút nước cứ kéo dài liên tục khiến cho nhiều diện tích lúa Thu đông mới xuống giống của nông dân tại huyện Long Mỹ (một trong những địa phương gieo sạ lúa Thu đông muộn nhất tỉnh) đang bị ảnh hưởng đáng kể. Có mặt tại cánh đồng lúa rộng khoảng 300 công đang vào vụ gieo sạ ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, vào sáng ngày 5-8, nhiều nông dân nơi đây đang hối hả bơm thoát nước từ trên ruộng ra ngoài để cứu lúa.
Đang canh chiếc máy xăng túc trực bơm nước, ông Phạm Công Nhường chỉ tay ra mảnh ruộng gần 5 công của gia đình vẫn còn trắng xóa nước, cho biết: “Buổi sáng xuống giống xong là chiều lại mưa xuyên suốt cho đến bây giờ. Tính bữa nay nữa là ruộng của tôi gieo sạ được 4 đêm rồi mà không thấy mọng lúa nhú lên, chỉ thấy toàn là nước trong ruộng và tôi đã tốn gần 10 lít xăng để bơm nước cứu lúa. Tôi dự trù sạ đến 20kg lúa giống/công (1.300m2) để trừ hao mưa và ốc bươu vàng ăn, nhưng với tình cảnh này thì chắc bị thiệt hại nhiều rồi. Giờ chỉ biết ráng bơm rút cạn nước, rải thêm thuốc diệt ốc bươu vàng và hy vọng hết mưa để lúa còn sống nhiều, chứ gieo sạ lại là gặp khó vì tôi không có dự trữ nguồn lúa giống”.
Nông dân xã Vĩnh Thuận Đông tích cực bơm nước cứu lúa Thu đông mới gieo sạ. Ảnh: HỮU PHƯỚC
Có chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Quang, có ruộng cặp ranh ông Nhường cũng đã xuống giống gần 2ha lúa của gia đình mới được hai đêm và hiện trên ruộng chỉ toàn là nước. Ông Quang thông tin: “Nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng báo là có bão nhưng tôi thấy bão ảnh hưởng vùng ngoài, do đó tuy thấy có mưa nên cứ nghĩ mưa ít. Mặt khác, lúa giống cũng đến ngày gieo sạ, sợ để lâu bị ảnh hưởng nên tôi quyết định xuống giống. Ai ngờ, từ lúc sạ xong đến giờ thì mưa liên tục nên lúa đã hai đêm rồi mà chỉ thấy trên ruộng toàn là nước. Tôi và nhiều bà con nơi đây lại tiếp tục bơm nước liên tục trong mấy ngày gần đây, tính ra cũng tốn nhiều công sức, tiền mua xăng mà không biết sau bão tỷ lệ lúa còn sống được mấy phần trăm”.
Bên cạnh những hộ đã xuống giống lúa thì một vài bà con cùng chung cánh đồng tuy lúa giống còn nằm chờ trong nhà nhưng vẫn có tâm trạng lo lắng không kém. “Do thấy mưa quá nên tôi quyết định “ém” lúa giống lại trong nhà chứ không dám đem ra gieo sạ xuống ruộng. Thế nhưng, giờ lúa giống đã quá ngày sạ 4 đêm rồi mà mới gieo sạ. Bởi, mọng lúa và rễ đã ra tương đối dài nếu không sạ bây giờ thì sẽ gặp khó”, ông Nguyễn Văn Mảnh, ở cùng ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, bộc bạch.
Ngoài lúa Thu đông mới xuống giống thì nhiều diện tích lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch cũng bị đổ ngã do ảnh hưởng bão số 3, từ đó khả năng làm giảm năng suất, tăng chi phí là chuyện khó tránh khỏi. Ông Nguyễn Văn Thương, ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho hay: “Hơn 1,4ha lúa Hè thu của tôi còn nửa tháng nữa là đến ngày thu hoạch, thế nhưng do mưa dầm kèm theo gió mạnh trong những ngày qua đã làm sập loang lổ khá nhiều, trong đó có khoảng 3 công bị đổ ngã nặng, ước thiệt hại trên 10%. Hiện không riêng gì tôi mà không ít nông dân ở cánh đồng này đều có hoàn cảnh tương tự. Nếu mưa và gió mạnh thế này thì từ lúa trúng có thể thành thất do bị thất thoát vì đổ ngã. Đặc biệt, hiện giá lúa đang tăng vào cuối vụ thì lúa sập càng làm cho bà con xót ruột”.
Qua thống kê của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, hiện toàn huyện đã xuống giống được gần 2.000ha lúa Thu đông và lúa tập trung ở giai đoạn mạ, trong đó có nhiều diện tích được nông dân gieo sạ dưới 10 ngày tuổi; riêng diện tích lúa Hè thu còn khoảng 6.000ha chưa thu hoạch và đa phần lúa trong giai đoạn trổ - chín. Trước tình hình mưa dầm kèm theo gió mạnh do ảnh hưởng của bão số 3 trong những ngày qua, ngành chức năng huyện Long Mỹ chỉ đạo cán bộ chuyên môn tiến hành khảo sát tình hình thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung tại vùng lúa Hè thu đang thu hoạch ở xã Vĩnh Viễn và Vĩnh Viễn A; đồng thời khảo sát vùng lúa Thu đông mới xuống giống ở xã Vĩnh Thuận Đông, từ đó tổng hợp báo cáo về ngành nông nghiệp tỉnh có hướng xử lý. Riêng về rau màu và cây trái của huyện thì chưa ghi nhận bị ảnh hưởng.
Nhiều nhà sập, tốc mái
Cùng với ảnh hưởng trong sản xuất lúa thì mưa kèm theo lốc xoáy trong những ngày qua còn làm sập và tốc mái nhiều căn nhà của người dân. Bà Trà Thị Tiến, ở ấp Đông Bình, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Khoảng 13 giờ ngày 3-8, mưa, gió đi qua từng luồng rồi cơn giông ập tới. Tôi đứng chưa kịp trấn tĩnh thì mái nhà bị tốc. Ngoài vườn 20 cây xoài bị ngã đổ”.
Giống hoàn cảnh bà Tiến, cơn giông vào trưa ngày 3-8 đã làm sập hoàn toàn căn nhà của ông Nguyễn Văn Thành, ở ấp Đông Bình, xã Đông Phước. Được biết hộ ông Thành sống một mình, hoàn cảnh đơn chiếc khó khăn nên ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND xã Đông Phước đã huy động lực lượng để khẩn trương giúp ông Thành dựng lại ngôi nhà tránh trú trong mùa mưa bão.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, tính đến thời điểm này, huyện Châu Thành là nơi có nhà tốc mái nhiều nhất của tỉnh khi lên đến 57 căn. Ngay khi xảy ra thiên tai, Huyện ủy, UBND huyện đã túc trực, chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn khẩn trương bố trí nhân lực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Ngoài ra, lực lượng quân sự, công an xã, các đoàn thể được huy động tối đa giúp người dân sửa nhà, lợp lại mái tôn để sớm ổn định cuộc sống trong mùa mưa bão.
Ông Lê Công Lý, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, cho biết: Sau khi lốc xoáy xảy ra, chúng tôi đã chỉ đạo trực tiếp các địa phương khẩn trương giúp dân khắc phục thiên tai. Đồng thời, hỗ trợ ngay 2 triệu đồng/hộ kèm theo một phần gạo, mì gói cho các hộ có nhà sập, tốc mái nhằm giúp bà con vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, UBND huyện tiếp tục rà soát, thẩm định để tiến hành hỗ trợ người dân theo đúng quy định.
Ngoài huyện Châu Thành, gió giật mạnh còn làm tốc mái nhiều căn nhà, đổ ngã cây xanh ở không ít đơn vị huyện khác. Điển hình, tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cơn giông vào trưa ngày 3-8 làm tốc mái 5 căn nhà lá và nhà bán kiên cố của người dân. Hiện chính quyền địa phương cùng bà con đã khắc phục xong. Ông Nguyễn Thanh Toàn, ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, than thở: “Gió giật mạnh làm tốc toàn bộ mái tôn và đòn tay đi xa hai, ba chục mét. Lúc đó chỉ có vợ, con ở nhà, tôi thì đi làm thuê bên huyện Phước Long (Bạc Liêu). Bây giờ, gia đình tôi đã lợp lại mái nhà để ổn định cuộc sống”.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Đài Khí tượng Thủy văn khu vực
Cũng theo ông Toàn, hiện Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại để báo cáo về tỉnh, làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại cho người dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng đề nghị các địa phương tổ chức phân công trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN nghiêm túc 24/24 nhằm sẵn sàng ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra.
Để kịp thời chỉ đạo khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, mới đây, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã tổ chức đoàn đến các địa phương trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo khắc phục thiên tai. Qua thực tế ở 3 địa phương là huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh các địa phương khẩn trương bố trí lực lượng túc trực giúp dân khắc phục xong sự cố thiên tai trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy đã gặp gỡ, động viên và trao kinh phí hỗ trợ cho 20 hộ dân gặp sự cố về nhà ở sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Qua thống kê nhanh từ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, tính từ ngày 3 đến 9 giờ ngày 5-8-2019, ước tính bão số 3 gây thiệt hại trên 1,8 tỉ đồng. Cụ thể, giông lốc, gió giật mạnh đã làm sập hoàn toàn 14 căn nhà; tốc mái 149 căn và 5 phòng học. |