Người tôi nhắc đến là ông Trịnh Văn Phong, tức bác Hai Phong, ngụ ấp Bờ Bao, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Đến nhà tìm nhưng bà con nói bác Hai đã đi làm lộ từ sớm. Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến con đường kinh Ranh, ở ấp 7, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Hình ảnh làm tôi ấn tượng là bác Hai Phong dáng người gầy guộc nhưng mạnh khỏe, khuân vác đá nặng lại không tỏ chút gì mệt mỏi, vẫn nói cười rôm rả với mọi người. Chốc lát, bác Hai lại lụi hụi chụm đống lửa lớn đang nấu phuy nhựa cho tan chảy. Bác Hai nói: “Con đường này dài chỉ vài ba cây số, làm chắc cỡ chục ngày là xong. Thấy vậy chớ loay hoay mau lắm!”.
Cách đi đứng, nói chuyện và cư xử của bác Hai “rặt ri” một ông già Nam bộ, chân chất và nhiệt tình. Đợi lúc phuy nhựa được nấu chảy để đổ đường, bác Hai dẫn tôi lại gốc trúc gần đó mà trò chuyện. Bác Hai kể rằng, chuyện bắc cầu, làm lộ của bác tính ra đã tròm trèm 42 năm. Từ chuyện đốn cây bạch đàn làm khung cầu, rồi đốn tre lợp ván cho những chiếc cầu nhỏ bắc qua kinh rạch trong xóm ấp cách đây hơn 40 năm, bác Hai “bén duyên” với công việc thiện nguyện này luôn. Từ lân cận xóm ấp, bác Hai mở rộng địa bàn bắc cầu, làm lộ ra các địa phương khác như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh; thậm chí đến tận miệt Vị Thanh - Hậu Giang. Hành trang của bác Hai chỉ có vài triệu đồng con cái cho tiêu xài hằng tháng cùng tấm lòng trượng nghĩa của lão nông xứ Cần Thơ. Đến đâu, bác Hai “hùn” trước vài triệu đồng, rồi phát động bà con góp vào. Bà con thấy tấm lòng của ông lão như vậy thì đâu ai nỡ chối từ. Vậy là sự chung lòng ấy đã làm nên những con đường đẹp, những cây cầu êm, dưới sự “chỉ huy” của lão nông Hai Phong.
Nghe bác Hai kể chuyện, tôi cảm nhận nơi bác sự cương nghị nhưng lạc quan, vui vẻ, thích pha trò cho câu chuyện thêm vui. Bác Hai nói, nghe có người báo có đoạn đường hư, cây cầu hỏng là bác cùng anh em lại sửa liền, không chần chừ với lời giải thích: “Một là vì lỡ mình làm lại không kịp, bà con té thì hối hận lắm. Hai là vì bà con thương mình, tin mình mới cho mình hay, nên phải tới mau mau”. Bác Hai còn nói tếu rằng, con đường đẹp thì ai cũng khen mà đường sình lầy thì người ta nói: “Trời ơi, đường gì tệ quá!” - đó là người ta đã “méc ông Trời”. Vậy là bác Hai lại cùng nhóm thợ đi tu sửa để những câu ca thán ấy không còn. Nhìn lại những công trình đã làm suốt hơn 40 năm qua, bác Hai không dám nhận cho riêng mình, bác nói đó là sự đồng lòng, mỗi người một ít…
Bác Hai Phong (bìa phải) cần mẫn làm đường thiện nguyện ở tuổi 82.
***
Đi với tôi tham quan dọc tuyến đường từ quốc lộ 80 vào ấp Thầy Ký, ấp Bờ Bao, của thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, anh Phạm Thành Thương, công chức văn hóa - xã hội của thị trấn không ngừng chỉ tay xuống mặt đường mà giới thiệu, những chỗ vá nhựa đều là do bác Hai Phong làm suốt nhiều năm qua. Hễ thấy đoạn đường nào hư hỏng, bong tróc là bác tự động đi vá. Bác chọn làm đường bằng nhựa thay vì bê tông để đỡ tốn nhân công, nhóm vài ba người đã có thể làm được.
Hương thơm lan tỏa giữa đời, hành trình làm việc nghĩa của bác Hai Phong không đơn độc mà được bà con ủng hộ rất nhiều. Mấy mươi năm đồng hành cùng bác Hai Phong, bác Nguyễn Văn Suổl, 73 tuổi, nói rằng, hạnh phúc khi bà con đi trên những tuyến đường, cây cầu do chính tay mình góp công. Động lực mà bác Suổl gắn bó với công việc này suốt nhiều năm qua cũng là nhờ gương sáng của bác Hai Phong. Bác Suổl nói vui: “Anh Hai tám mươi ngoài tuổi mà con làm được, mình mới bảy mấy cũng phải ráng theo chớ!”.
Qua mỗi công trình, “biệt đội làm đường” của bác Hai Phong cũng được bà con hỗ trợ hết mình. Ông Trần Văn Long, ngụ ấp 7, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, nói: “Bác Hai làm từ thiện cả vùng này ai cũng biết. Nay bác hỗ trợ làm đường qua ngang nhà tôi nên mấy ngày nay tôi cũng ra phụ. Tấm lòng của bác Hai khiến chúng tôi nể phục lắm”. Cách đó không xa, chái bếp của bà Đặng Thị Hoa bốc mùi thơm phức cho buổi cơm trưa. Thấy nhóm làm đường của bác Hai Phong, bà Hoa tình nguyện nấu cơm phục vụ mọi người. Với bà Hoa, một ông lão 82 tuổi lại ngày ngày dãi nắng dầm mưa lo chuyện xã hội khiến bà thật sự xúc động.
***
Bác Hai gái mất đã mười mấy năm, bây giờ bác Hai Phong ở với vợ chồng người con trai Út. Anh Út làm nghề lái xe, tháng nào cũng gởi tiền cho bác tiêu xài. Vậy mà bác Hai chỉ để dành tiền làm đường sá. Bác kể, đi làm đường thì bà con nấu cơm cho ăn; uống trà thì chặt cây đinh lăng phơi mà uống, vừa tốt sức khỏe lại đỡ tốn tiền. “Có xài gì đâu. Mà chết thì cũng có đem theo được đâu. Làm đặng để đức cho con cháu”, bác Hai xởi lởi. Hỏi bác Hai chừng nào nghỉ để dưỡng già, bác nói mình cứ làm hoài, không làm coi vậy chớ sinh bệnh, làm vậy mà khỏe phây phây.
Tiếng nói vang, bộc trực, nụ cười tươi rói hiền lành của lão nông 82 tuổi cứ làm tôi nhớ hoài. Bất giác tôi nghiệm ra rằng, bác Hai phải chăng đã hội đủ tiêu chuẩn “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”. Đó là một Người Cần Thơ mẫu mực.