Về nơi cứ buồn lại chọn lá ngón tìm cái chết...

Chủ nhật, 11 Tháng 8 2019 17:05 (GMT+7)
Chỉ trong 2 ngày, có 3 trường hợp tìm đến cái chết bằng cách ăn lá ngón. Trước đó, ở địa phương này có rất nhiều người tìm đến lá ngón vì rất nhiều nguyên nhân đơn giản, có thể chỉ vì giận chồng, giận vợ, giận con, nghèo hoặc chỉ vì… buồn.

Ngày 10/8, ông Đinh Việt Trung, trưởng Công an huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn liên tục xảy ra 3 vụ tự tử bằng lá ngón.

Gần nhất, chiều 6/8, anh Nguyễn Văn L. (SN 1997) ăn lá ngon để tự tử nhưng được người thân phát hiện, đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Lúc tỉnh, anh L. kể, có tình cảm với chị Trần Thị Phương Th., thôn 5, xã Trà Nam. Trước đó một ngày, chị Th. tự tử bằng lá ngon và đã qua đời. Quá đau thương, anh L. muốn được “sống chết” cùng bạn gái nên mượn lá ngón để “đoàn tụ”.

Dân sinh - Về nơi cứ buồn lại chọn lá ngón tìm cái chết...

Người dân ở xã Trà Cang kể, có rất nhiều người tìm đến cái chết bằng lá ngón. 

Cùng ngày chị Th. tự tử, chị Nguyễn Thị N., người dân tộc Xơ Đăng, thôn 3, xã Trà Nam được người thân đưa đến trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cấp cứu do ăn lá ngón. Người thân cho biết, trước đó, chị N. có mâu thuẫn trong gia đình nên bực bội, tìm đến cái chết.

Đại diện Công an huyện Nam Trà My cho biết, từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng 6 vụ tự tử bằng lá ngón khiến 4 người chết và 2 người để lại di chứng nặng nề.

Những cái chết không báo trước ở huyện vùng núi này dường như là điều không còn lạ lẫm đối với người dân. Xã Trà Cang được xem là nơi có nhiều người tìm đến lá ngón nhất ở huyện Nam Trà My. Nguyên nhân để tìm đến thứ lá chết người này rất đơn giản, có thể chỉ vì giận chồng, giận vợ, giận con, nghèo hoặc chỉ vì… buồn.

Tại xã Trà Cang, khi nhắc đến lá ngón, mọi người vẫn thường nhắc đến nỗi đau của bà Hồ Thị Nê. Bà Nê năm nay đã già, nhưng một mình phải nuôi cùng lúc 7 đứa cháu. 7 đứa trẻ này là con của 2 cặp vợ chồng, là con của bà trước đó đã tìm đến lá ngón.

Bà Nê kể, vào tháng 8/2018, vợ chồng con trai bà là Hồ Thị Thiên và Hồ Văn Hai lần lượt mượn lá ngón để tìm đến cái chết. Họ để lại cho bà 3 đứa con nhỏ. Trước đó 3 năm, cặp vợ chồng con trai khác của bà là Hồ Văn Thiên và Hồ Văn Thôi cũng chọn lá ngón để ra đi. Họ để lại cho bà 4 đứa trẻ. Ngay chính bà cũng không biết vì sao những đứa con của mình lại tìm đến cái chết.

Như vậy, chỉ vì lá ngón, bà Nê mất đi 2 đứa con trai và 2 cô con dâu. Đến nay, một mình bà vất vưởng nuôi 7 đứa trẻ. Và, hiển nhiên, bà rất vất vả vẫn không thể kiếm đủ gạo để cho 7 cái bụng được ấm no…

Các cán bộ ở huyện Nam Trà My cho biết, tuyên truyền cho người dân về tác hại của lá ngón là cuộc chiến không cân sức. Thậm chí, có những người mới vừa buổi chiều đi tuyên truyền cho bà con không nên sử dụng đến lá ngón thì đến tối họ lại dùng chính nó để tìm đến cái chết.

Đó là trường hợp của anh Hồ Văn Noan, thôn 5, xã Trà Cang. Noan vốn là một cán bộ xã gương mẫu. Suốt nhiều năm liền, anh cùng cán bộ khác tuyên truyền cho bà con trên địa bàn xã không nên dùng đến lá ngón.

Thế nhưng, vài năm trước, ban ngày, anh vẫn còn đi vận động, tuyên truyền cho bà con, thì đến tối lại tìm đến thứ lá độc hại ấy. Nhắc đến trường hợp này để mọi người có thể nhận thấy rằng, chẳng thể nói trước điều gì đối với suy nghĩ của người dân ở đây.

Dân sinh - Về nơi cứ buồn lại chọn lá ngón tìm cái chết... (Hình 2).

Đường đi ở đây rất khó khăn... cũng như cuộc chiến chống lại lá ngón.

Chị Hồ Thị Hiếu, trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Cang cho biết, Nam Trà My là huyện miền núi, nằm trên ngã ba ranh giới giữa tỉnh Quảng Nam với 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Ca Dong, M’Nông, Co.

Riêng người Kinh chỉ chiếm khoảng 2% toàn huyện. Đây cũng là vùng đất nghèo, có rất nhiều người khó khăn, trình độ văn hóa người dân vẫn còn thấp. Do đó, việc tuyên truyền cho người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Vị trưởng Công an huyện Nam Trà My cho biết, địa phương đã có rất nhiều phương án và đã áp dụng trong việc tuyên truyền cho người dân về việc tác hại của lá ngón. Thậm chí, lực lượng chức năng không chỉ giải thích, vận động chính sách, có khi còn dọa nạt nhưng mọi chuyện vẫn không thể thay đổi. Người dân ở trên địa bàn cứ hễ buồn là lại tìm đến lá ngón.

Họ xem như đây là phương án duy nhất và cuối cùng...

Nguyễn Duy Cường - (nguoiduatin.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống