Phụ nữ ấp Tân Lợi, xã Phong Hòa (huyện Lai Vung) có thu nhập ổn định từ nghề may gia công găng tay
Các THT được thành lập và hoạt động trên các lĩnh vực: may gia công găng tay đánh bóng chày, quần áo, đan bội, trồng hoa kiểng, cắt tỉa cành cây có múi tại các xã: Phong Hòa, Tân Hòa, Long Hậu, Tân Dương và Hòa Thành. Hoạt động hơn 3 năm qua, THT May gia công găng tay đánh bóng chày do chị Trần Thị Lan - Chi hội trưởng, Chi hội PN ấp Tân Lợi, xã Phong Hòa (huyện Lai Vung) làm đầu mối đã tạo việc làm cho nhiều PN trong và ngoài ấp.
Theo đó, chị Lan liên kết với Công ty TNHH Quốc tế Tri Việt (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) nhận hàng về may gia công theo hình thức ăn sản phẩm. Ban đầu chị làm một mình tại nhà, sau đó thấy nghề này dễ làm, chỉ học 1 ngày là làm được, nên chị quyết định đầu tư tại nhà, mua thêm máy may và giới thiệu cho PN chưa có việc làm tham gia. Đến nay, THT của chị giúp cho 20 PN có việc làm, thu nhập thường xuyên.
Chị Nguyễn Thị Vân ngụ ấp Tân Lợi, xã Phong Hòa cho biết: “Trước đây, tôi không có việc làm, trình độ thấp nên cũng ngại đi làm xa, phần phải chăm sóc cha mẹ già. Từ ngày làm ở THT, giúp tôi có việc làm gần nhà, tiện chăm sóc ba mẹ. Mỗi tháng, tôi thu nhập 3 triệu đồng, mùa lạnh may nhiều có thể lên 4 triệu đồng/tháng”. Còn chị Trương Thị Mỹ Duyên ngụ ấp Định Phú, xã Định Hòa cho biết: “Lúc chưa làm ở THT, tôi ở nhà giữ con, chi phí sinh hoạt gia đình chỉ nhờ vào tiền làm thuê của chồng nên rất thiếu hụt. Hơn 1 năm làm ở THT, tôi có thu nhập hàng tháng từ 2-3 triệu đồng, giúp tôi trang trải chi phí sinh hoạt nên cuộc sống gia đình đỡ hơn trước”.
Từ năm 2017 đến nay, cùng với các THT giải quyết việc làm, Hội LHPN huyện triển khai phong trào khởi nghiệp trong PN, thông qua đó mở các diễn đàn khởi nghiệp cho PN trong huyện tham gia. Qua các diễn đàn, có 32 ý tưởng đăng ký khởi nghiệp, các ý tưởng tốt được Hội LHPN huyện khảo sát, đôn đốc thực hiện. Một số sản phẩm đã được hỗ trợ khởi nghiệp như: Bánh in Như Ý (xã Tân Thành); Bánh tét Sáu Minh, Mứt vỏ bưởi, mứt tắc, bánh kẹp (xã Phong Hòa);... Hiện nay, các sản phẩm đang được khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi. Chị Bùi Châu Huệ ngụ ấp Tân Khánh, xã Tân Thành là PN nghèo, sống bằng nghề làm bánh in. Qua sự giúp sức của các cấp Hội, chị Huệ mạnh dạn đăng ký ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm bánh in nhân dừa truyền thống. Để giúp chị Huệ khởi nghiệp thành công, Hội LHPN xã giới thiệu cho chị tham gia tập huấn sản xuất, chế biến an toàn thực phẩm; được vay 25 triệu đồng (từ nguồn Ngân hàng Chính sách Xã hội) để mua thêm nguyên liệu, khuôn làm bánh và đăng ký kinh doanh nhãn hiệu Bánh in Như Ý.
Chị Huệ chia sẻ: “Ban đầu đăng ký khởi nghiệp tôi cũng lo, không biết làm có nổi hay không. Nhờ được mấy chị Hội LHPN xã hướng dẫn, tôi đã làm được. Đến nay, sản phẩm bánh in của tôi được nhiều người biết đến, tiêu thụ mạnh hơn. Ngoài nhân dừa truyền thống, hiện tôi tìm tòi học làm thêm nhân mít, sầu riêng... để làm phong phú hương vị cho sản phẩm của mình. Hiện tại, sau khi trừ chi phí, gia đình có thu nhập gần 7 triệu đồng/tháng, từ đó kinh tế gia đình giảm khó khăn hơn so với trước đây”.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Lai Vung, thời gian qua, phong trào PN khởi nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là giúp nhiều PN khó khăn vươn lên thoát nghèo, tạo tiền đề, động lực để các PN khác tự tin phát triển kinh tế gia đình. Riêng các THT đã giải quyết việc làm tại chỗ, giúp PN không phải đi làm xa,... nhưng vẫn có nguồn thu nhập. Hướng tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ các sản phẩm khởi nghiệp, duy trì thành lập mới các THT tạo việc làm cho PN; giới thiệu việc làm trong ngoài tỉnh... nhằm hỗ trợ hội viên PN nghèo, khó khăn có thêm điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống.