Các bạn trẻ hào hứng tham dự giao lưu, xin chữ ký của Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang-seo.
Trường hợp con của chị Lan Anh không phải là hiếm. Trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuất hiện thông tin về những vụ việc, hành động tiêu cực của giới trẻ liên quan đến thần tượng, như: bắt chước ca sĩ, diễn viên từ cách ăn mặc, trang điểm, nhuộm tóc đủ màu, đến hành động quái dị. Hay như nhóm bạn trẻ sẵn sàng túc trực hàng giờ đồng hồ để chờ đợi ở sân bay, chen lấn, xô đẩy để được nhìn, chụp ảnh với thần tượng, dẫn đến ngất xỉu phải cấp cứu. Đó là những hồi chuông báo động về tình trạng "cuồng" thần tượng của giới trẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều người cho rằng việc con trẻ yêu thích, bắt chước, học theo một nhân vật nổi tiếng nào đó không xấu. Trái lại nó còn có tác dụng giúp trẻ sống có mục tiêu, lý tưởng để phấn đấu, phát triển bản thân. Chị Ngọc Hân ở quận Ninh Kiều, cho biết: "Tôi nghĩ việc con yêu thích, học theo phong cách của một nhân vật nổi tiếng cũng là chuyện hết sức bình thường. Trước đây, tôi cũng từng đam mê một một nam ca sĩ rất nổi tiếng. Tôi từng có ước mơ trở thành phóng viên để có cơ hội phỏng vấn chàng ca sĩ đó. Thế là từ một đứa học dốt môn văn, sử, địa tôi đã ôn luyện ngày đêm để thi đậu đại học báo chí". Theo chị Hân, ở những lứa tuổi khác nhau, trẻ con thường có những thần tượng riêng cho mình. Ví dụ ở tuổi thiếu nhi, các bé trai hay ước mình thành siêu anh hùng để giải cứu thế giới; các bé gái ước mơ thành công chúa. Bước vào giai đoạn thanh thiếu niên, các em lại đam mê những diễn viên, ca sĩ, nhân vật nổi tiếng. Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng và bi quan khi phát hiện ra con mình trót "say" một thần tượng nào đó.
Theo các chuyên gia, việc các con có thần tượng hoàn toàn là điều tốt. Nó không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần, giải trí mà còn phù hợp với lối sống của giới trẻ hiện nay; nhất là việc thần tượng một ai đó về sắc đẹp, tài năng đặc biệt để hướng tới những giá trị tốt đẹp nhằm phát triển bản thân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là phải biết tỉnh táo, chọn lọc để học theo những điều tốt đẹp; tránh tình trạng tuyệt đối hóa, tôn sùng, chạy theo thần tượng một cách thái quá. Vì vậy, nhiệm vụ của phụ huynh là luôn quan tâm, tìm hiểu cặn kẽ thần tượng của con, thậm chí dành thời gian để chia sẻ, thảo luận với con về những điều liên quan đến thần tượng. Có như thế mới kịp thời phát hiện những điều chưa tốt, chưa đúng để giáo dục, định hướng trẻ. Việc cần tránh là không nên phê phán, chỉ trích thần tượng hoặc có những biện pháp cấm đoán một cách quá gay gắt khi con đam mê thần tượng. Khi đó, bản năng của trẻ sẽ chống cự và tìm cách bảo vệ cho thần tượng, đam mê của mình; khiến trẻ cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, "khoảng cách" thế hệ ngày càng lớn. Hậu quả là trẻ ngày càng trở nên bướng bỉnh, bỏ ngoài tai những lời khuyên của cha mẹ.