Các chuyên gia tâm sinh lý khuyên phụ huynh nên khuyến khích con mình tham gia các hoạt động, trò chơi phù hợp với lứa tuổi.
Nỗi lo con dậy thì sớm
Dịp hè vừa qua, bé Ty Ty 8 tuổi (TP Hồ Chí Minh) về quê ngoại ở xã Quới Thiện (Vũng Liêm) chơi hè 3 tuần. Các dì cậu của bé xuýt xoa vì bé Ty cao hơn nhiều so với tuổi, với các con của mình. 8 tuổi, bé Ty cao 1m 53 và nặng 50kg. Chị Nguyễn Ngọc Hân cho biết, bé Ty đã theo dõi, điều trị dậy thì sớm ở Bệnh viện Nhi đồng vì những phát triển quá nhanh so với các bạn cùng trang lứa.
“Nhìn con học lớp 3 mà cứ như học lớp 6, ai hỏi bé trả lời 8 tuổi đều giật mình. Mà con bé vô tư lắm, lúc mới bị hành kinh la tóe lên, tôi phải chỉ dẫn và còn phải giúp con vệ sinh cho sạch sẽ nữa”.
Bản thân đứa trẻ là một người lớn trong một lớp học nhỏ như vậy sẽ khiến trẻ khó hòa nhập với bạn bè, rất ảnh hưởng tâm lý của trẻ phát triển về sau. Một giáo viên chủ nhiệm lớp 4 ở trường tiểu học trên địa bàn TP Vĩnh Long cho biết, trong số 22 học sinh nữ của lớp thì chỉ vài em chưa dậy thì. Nhiều bé cao ngang cô giáo (cao hơn 1m55), nhưng đi đứng còn “hớ hênh” lắm.
“Vài năm trước tôi còn thấy xốn xang khi thấy nhiều học sinh mình dậy thì sớm, thường trẻ phải học cấp 2 khoảng 12-14 tuổi mới dậy thì nhưng giờ thì thấy bình thường. Nhìn các con còn hồn nhiên, chơi giỡn, đôi khi có bé bị “sự cố” ngay trong lớp, bé sợ bé khóc, tôi phải gọi điện nhờ phụ huynh chở bé về thay đồ. Dạy các con, bên cạnh từng ngày, vậy mà mình vẫn bất ngờ vì trẻ bây giờ lớn nhanh quá”.
Cũng có con gái mới học lớp 3 đã xuất hiện kinh nguyệt, chị Thái Hồng Ph. (xã Tân Hạnh- Long Hồ) thở dài: “Con bé học bán trú tới chiều mới đón về. Tôi đi siêu thị mua băng vệ sinh và dán sẵn trong quần lót và dạy con mỗi lần thay băng, hay tắm rửa phải vệ sinh vùng kín kỹ càng. Đi học thì đem băng theo, nhưng do con mê chơi quên thay băng nên con bé bị viêm nhiễm vùng kín do vệ sinh không kỹ, phải điều trị”.
Theo TS. Hồ Thị Thu Hằng- BS chuyên khoa Sản, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, khi trẻ dậy thì sớm, nếu vệ sinh không đúng cách thì vùng kín dễ bị sưng tấy, viêm nhiễm âm hộ, một số trường hợp viêm nhiễm kéo dài, có nguy cơ nhiễm trùng vùng tử cung, buồng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ sau này.
Đừng chủ quan khi trẻ dậy thì sớm
Hiện độ tuổi dậy thì của trẻ đang có xu hướng giảm dần và không tuân theo độ tuổi “nữ thập tam, nam thập lục” như trước đây. Theo thống kê, mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh tiếp nhận lượng bệnh nhi mắc dậy thì sớm tăng 30%, con số này liên tục tăng trong những năm gần đây.
Dậy thì sớm không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, bên cạnh đó nó còn kéo theo những ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của trẻ khi trẻ chưa đủ nhận thức để tự bảo vệ mình. Hậu quả dậy thì sớm dẫn đến sự phát triển sớm quá mức và sự đóng sớm của các đầu xương dài, khiến trẻ cao hơn trẻ cùng tuổi, nhưng sẽ bị lùn khi trưởng thành.
Các bé gái sẽ không có khả năng xử lý tình trạng kinh nguyệt, thường lo sợ, xấu hổ thậm chí trầm cảm vì không biết tâm sự với ai. Các bé trai thì trở nên hung hăng, dễ nổi cáu, trở thành côn đồ”. Trẻ cũng có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao hơn…
Khi thấy các dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ (bé gái dưới 8 tuổi ra huyết âm đạo, xuất hiện lông mu, ngực to; bé trai dưới 9 tuổi có hiện tượng cương dương vật hoặc dương vật lớn hơn trẻ cùng tuổi, mọc lông mu, xuất hiện mụn, vỡ giọng), gia đình nên kịp thời đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa nội tiết tố nhi.
Nếu cần thiết, các BS sẽ can thiệp, làm mất dấu hiệu dậy thì và đưa giai đoạn dậy thì về đúng với tuổi của trẻ (từ 12 - 18 tuổi), ngăn chặn việc “đóng đầu xương” sớm để trẻ phát triển chiều cao bình thường. Một số trường hợp, gia đình nên đưa trẻ đi tham vấn tâm lý. Cha mẹ cũng đừng căng thẳng quá mức hay có những can thiệp nếu thiếu cân nhắc.
Nguyên nhân trẻ em hiện nay dậy thì sớm, TS.BS Hồ Thị Thu Hằng cho rằng trên 25% do di truyền. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, với sự bùng nổ thông tin và sự phát triển của các thiết bị công nghệ, việc tiếp xúc của trẻ em với thế giới bên ngoài sẽ lớn hơn, khiến trẻ bị kích thích thần kinh, đẩy nhanh quá trình ở hệ viền của não, vùng quyết định dậy thì ở trẻ em.
Ngoài ra, những sản phẩm nhựa gia dụng có những chất gây ra dậy thì sớm. Khi chăn nuôi người ta dùng những thuốc tăng trọng, khi trẻ ăn nhiều những thứ đó vào, một thời gian cũng gây dậy thì sớm. Ngoài ra, thức ăn nhanh, nước ngọt, trẻ ít ăn canh, rau, trái cây nên nhiều trẻ bị béo phì cũng dễ bị dậy thì sớm.
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng, cha mẹ cần phải trang bị kiến thức để chăm sóc thật kỹ trẻ trong giai đoạn dậy thì. Khi trẻ có kinh nguyệt, cần giải thích cho trẻ hiểu đây là sinh lý bình thường, mọi phụ nữ đều phải có.
Trong những ngày hành kinh, trẻ sẽ bị đau bụng, mệt mỏi thì mẹ, chị cần ở bên động viên cho trẻ đỡ sợ, có thể chườm ấm vùng bụng giúp trẻ bớt đau; dạy trẻ cách giữ vùng kín khô thoáng, sạch sẽ.
Trao đổi với con việc nên thay băng vệ sinh 4 tiếng một lần, đưa cho con một bài báo về giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt... cũng là những cách quan tâm khiến đứa trẻ gần gũi và mở lòng với cha mẹ. Nếu trẻ bị ngứa vùng kín thì cần đưa con đi khám BS chuyên khoa.
Nếu muốn tầm soát dậy thì sớm cho con, cha mẹ có thể đưa bé đến Khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 1 hoặc Phòng khám thận- nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh). Ở đây, các BS sẽ tiến hành các xét nghiệm như chụp X-quang tầm soát tuổi xương, siêu âm bụng tổng quát (chú ý tuyến thượng thận), xét nghiệm máu... |