Cấp bách di dời chung cư cũ

Chủ nhật, 15 Tháng 9 2019 16:08 (GMT+7)
UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định di dời khẩn cấp các hộ dân sống ở các chung cư xuống cấp, nguy hiểm nhưng việc thực hiện đang gặp rất nhiều khó khăn

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 1.579 chung cư cũ, xây dựng chủ yếu từ năm 1960 đến năm 1992. Trong quá trình sử dụng, do không được bảo trì thường xuyên, cộng với việc các hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa nên nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng.

Ì ạch di dời

Qua các đợt kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực, Sở Xây dựng Hà Nội đã phân loại các chung cư cũ theo 4 cấp độ nguy hiểm, trong đó 6 công trình thuộc cấp độ D (công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ sập, phải sửa chữa lớn, ưu tiên làm ngay). Trong danh sách này có 1 công trình nằm trên địa bàn quận Đống Đa là đơn nguyên 1 (khu chung cư) chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ) và 5 công trình tại quận Ba Đình: Nhà tập thể C1 - Thành Công; đơn nguyên 1, 2 G6A - Thành Công (phường Thành Công); đơn nguyên 3 C8 - Giảng Võ (phường Giảng Võ); đơn nguyên 1 nhà A - Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh); đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị).

Cấp bách di dời chung cư cũ - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở Hà Nội sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì chung cư đang ở xuống cấp nghiêm trọng

UBND TP đã ra các Quyết định số 5374/QĐ-UBND (ngày 4-9-2013), 2000/UBND-XDGT (ngày 25-4-2016) về việc tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, chủ sử dụng tại các chung cư nguy hiểm này. Tuy nhiên, đến nay, theo ông Bùi Tiến Thành, Phó trưởng Phòng Phụ trách Phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), mới có nhà tập thể C1 - Thành Công hoàn tất di dời toàn bộ 110 hộ dân và xây dựng mới.

Lý giải việc không đồng thuận di dời, nhiều người dân cho rằng họ cần các thông tin rõ ràng như tạm cư bao lâu thì chung cư được xây dựng lại? Chính sách tạm cư hiện mới hỗ trợ trong 3 năm, sau đó chung cư vẫn chưa xây dựng lại thì người dân có được hỗ trợ tiếp không?...

Chưa hài hòa lợi ích

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, có nhiều vướng mắc ảnh hưởng tới công tác di dời dân khỏi các chung cư nguy hiểm, như việc phân chia các quỹ nhà còn nhiều bất cập. Nhiều quỹ nhà được người dân chấp nhận nhưng nhiều quỹ nhà vừa xa, chất lượng lại xuống cấp, không bảo đảm để các hộ dân ổn định đời sống. Ngoài ra, việc tổ chức phá dỡ chưa thể thực hiện do liên quan đến các chung cư liền kề, quy định pháp luật hay việc lựa chọn chủ đầu tư đang gặp nhiều vướng mắc.

Trả lời về giải pháp để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay, vướng mắc nhất trong cải tạo chung cư cũ là không bảo đảm được hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ bị hạn chế theo quy hoạch về tầng cao, diện tích và dân số ở khu vực đó nên nếu lập dự án thì không bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, vì thế ít doanh nghiệp muốn tham gia. Bộ Xây dựng đề xuất có quy định linh hoạt hơn về tăng chiều cao, dân số đối với dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ trong một số trường hợp. Bộ Xây dựng phối hợp với TP Hà Nội xây dựng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với cải tạo chung cư cũ. Ví dụ như xây dựng chung cư cũ nhưng mở rộng hơn dự án để cải tạo cả khu vực lân cận thành khu đô thị phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ, cũng như tạo được lợi nhuận cho nhà đầu tư để họ tham gia tích cực…

Còn theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sở đã báo cáo UBND TP kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền, như: Nghiên cứu, dự thảo sửa đổi quy định tỉ lệ phần trăm chủ sở hữu thống nhất (70% thay vì 100% chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng nhà chung cư mới thông qua hội nghị nhà chung cư); bổ sung chế tài được cưỡng chế phá dỡ đối với các chủ sở hữu còn lại không đồng ý phá dỡ...

Đề xuất chỉ định chủ đầu tư

TP Hà Nội cũng đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù như kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết của dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư trước khi thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án và chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư làm cơ sở để thực hiện. Đồng thời, cho phép UBND TP được chỉ định nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa khi các chủ sở hữu không lựa chọn được chủ đầu tư theo quy định...

Bài và ảnh: HUY THANH - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống