Người dân làm thủ tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.
30 bệnh viện đã triển khai thanh toán điện tử
Thanh toán điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin để giao dịch mua bán không dùng tiền mặt thông qua các hình thức như: chuyển khoản, thẻ tín dụng, thẻ nội địa, ví điện tử, ứng dụng di động (mobile banking)… đã được chứng thực và bảo đảm của các ngân hàng. Hiện nay, việc thanh toán viện phí tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt. Người dân chịu rủi ro khi đem nhiều tiền mặt đến khám, chữa bệnh; mất 3 và thậm chí 4 lượt xếp hàng để thanh toán chi phí, tâm lý ức chế, khó chịu… Bệnh viện (BV) tốn nhân lực, rủi ro giao dịch tiền mặt.
Từ thực tế đó, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị phải thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, máy POS. Nhiệm vụ này được Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước tháng 12-2019.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế triển khai hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí. Việc triển khai thành công sẽ giúp giảm quá tải xếp hàng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người dân rút ngắn được thời gian khám bệnh, các BV giảm được nguồn nhân lực cho công tác thanh toán, tích hợp với hệ thống thông tin BV, hồ sơ bệnh án điện tử góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số BV, hướng tới BV thông minh, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và cải thiện hình ảnh căng thẳng, bức xúc, mất trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Hiện có khoảng hơn 30 BV đã triển khai các giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Trong đó, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong. Đại diện của đơn vị này cho biết, BV đã triển khai cho người dân, bệnh nhân thanh toán viện phí bằng nhiều hình thức: quẹt thẻ, chuyển khoản, QR-code, internet banking, qua add/web... Đến nay, số bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ở BV này chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán viện phí của BV.
Vẫn còn cản ngại, khó khăn
Tại hội nghị trực tuyến, lãnh đạo các BV cho biết, tuy có nhiều tiện ích nhưng các BV băn khoăn khi triển khai, do người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng mobile… để thanh toán. Thực tế khác, hiện vẫn chưa có giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin BV (HIS) còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là phí thanh toán các giao dịch điện tử không dùng tiền mặt còn cao và BV chưa có cơ chế, nguồn để chi trả phí. Như vậy, chi phí thanh toán sẽ do bệnh nhân hay BV chi trả?
Theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian cung cấp các giải pháp phù hợp với cơ sở y tế và người dân. Các giải pháp rút gọn trong 6 chữ “S”: sẵn sàng, sâu sắc, san sẻ. Tức là sự sẵn sàng vào cuộc của ngành ngân hàng, sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kết nối với cơ sở y tế để thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử thuận tiện, an toàn; sâu sắc, khi cung ứng dịch vụ phải hiện đại, thân thiện, dễ dàng và an toàn; san sẻ, thể hiện trách nhiệm xã hội của ngân hàng thông qua các chính sách hỗ trợ ban đầu với cơ sở y tế khi triển khai như áp dụng chính sách miễn hoặc giảm phí dịch vụ thanh toán, hỗ trợ xây dựng qui trình nghiệm vụ, quảng bá thông tin, hướng dẫn bệnh nhân, thân nhân sử dụng thanh toán điện tử...
Ở nước ta, hiện nay có khoảng 78 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking (trong đó có 41 ngân hàng cung cấp dịch vụ Internet Banking). Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 31 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong có 28 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử. Khoảng 60% người dân trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, tương đương trên 45 triệu người. Gần 14.000 cơ sở y tế đều có sử dụng tài khoản ngân hàng. |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu người đứng đầu các cơ sở y tế phải quyết tâm triển khai. Trong tương lai, các cơ sở y tế tiến tới không dùng tiền mặt, không dùng giấy, không xếp hàng, chờ đợi. Bộ Y tế mong rằng sự thành công thanh toán không dùng tiền mặt trong y tế sẽ góp phần làm thay đổi tư duy, phương thức sử dụng tiền mặt trong cộng đồng xã hội bởi trong 100% dân số Việt Nam là đối tượng được chăm sóc sức khỏe của y tế. Sự thành công của thanh toán điện tử trong ngành y tế cũng góp phần rất lớn cho sự thành công thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng băn khoăn vì hiện nay, phần lớn người dân sống ở nông thôn, chưa có tài khoản, thẻ ngân hàng, không sử dụng điện thoại thông minh, rất khó để thực hiện các thanh toán điện tử. Từ lo ngại này, Bộ trưởng đề nghị các ngân hàng cần truyền thông, hướng dẫn thật dễ hiểu cho người dân, có các giải pháp thanh toán phù hợp. Đồng thời, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) hướng dẫn chi tiết, cụ thể các cơ sở y tế về cách triển khai khả thi, phù hợp nhất với cơ sở y tế và người dân ở từng vùng miền, tham mưu lộ trình triển khai cụ thể.