Ai bánh bò, bánh tằm, bánh chuối, bánh mặn… hôn… - bà con ven đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn gần cầu Bình Thủy, mấy mươi năm qua đã quen thuộc với tiếng rao bánh ngọt ngào của cô Chín… Xe chất đầy bánh nhưng cô bán khoảng 2- 3 giờ là hết sạch”. Đó là mấy dòng trong bài viết “Cô Chín nặng lòng bánh quê” mà chúng tôi viết về cô Chín Bánh dân gian đăng trên Báo Cần Thơ cách đây hơn 2 năm. Bây giờ gặp lại, chiếc xe ấy đã “an cư” nhưng nét thảo thơm và nỗi nặng lòng của cô Chín vẫn không thay đổi.
Cô Chín tên thật là Trương Thị Chiều, sống tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Mấy năm nay, tài nghệ làm bánh của cô Chín đã trở thành “thương hiệu”, nổi tiếng khắp vùng. Cô Chín có mặt trong rất nhiều sự kiện quảng bá đặc sản địa phương của ngành du lịch Cần Thơ ở các tỉnh, thành bạn. Cô Chín còn góp mặt trên sóng truyền hình với tư cách là nghệ nhân làm bánh dân gian Nam bộ, là sứ giả văn hóa. Còn nhớ có lần gặp cô Chín khi cô giới thiệu bánh dân gian Nam bộ tại một cuộc Hội thảo về du lịch ở tỉnh Hậu Giang, rất nhiều người đã không tin xề bánh con sùng ngũ sắc là do chính vợ chồng cô làm bằng tay. Ai thắc mắc, ngờ vực, cô cũng gởi lại nụ cười hiền khô: “Cô với chú làm đó, con!”.
Trở lại chuyện cửa hàng bánh dân gian của cô Chín nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, cách chân cầu Bình Thủy không xa. Cửa hàng nhỏ gọn, cô Chín dành một góc riêng với tủ bếp hồi xưa, thúng, nia, xề và mấy vật dụng làm bếp của người miền Tây. Chiếc xe đẩy bánh đi bán cô không cất mà cho nó “an cư” như một cách để ghi lại ký ức một thời. Tiếng rao bánh của cô Chín không còn cất lên nhưng nụ cười hiền của người phụ nữ luống tuổi lúc nào cũng khiến khách phải dừng chân. Cô Chín nhỏ nhẹ: “Có chỗ nơi bán ổn định như vầy thì đỡ cực hơn, khách đoàn cũng biết chỗ mà ghé”. Ngoài cửa hàng cố định, cô Chín còn có một “cửa hàng online”, đăng các loại bánh và nhận đặt hàng qua điện thoại, mạng xã hội facebook. Dĩ nhiên, cách “khởi nghiệp công nghệ” này với một người phụ nữ ngoài 60 tuổi sẽ không hề dễ dàng nhưng cô Chín cũng tìm thấy niềm vui. “Tụi nhỏ cứ gọi cô Chín ơi, bà Chín ơi để đặt bánh này, bánh kia, thấy vui lắm. Trên facebook, mọi người đăng bánh mình làm lên rồi khen bánh ngon, đẹp, mình cũng thêm vui”, cô Chín kể.
***
Cô Chín vẫn hay nói vui là cô đang khởi nghiệp. Mà thực sự là như vậy. Ở tuổi xế chiều, cô chú mới làm chủ một cửa hàng kinh doanh những chiếc bánh truyền thống. Nói về sự táo bạo này, cô Chín nói: “Từ khi tham gia Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ rồi đoạt Huy chương ở Hội thi làm bánh dân gian, được mọi người biết đến, cô mới tự tin mở cửa hàng”.
Vợ chồng cô Chín Chiều ở cửa hàng bánh vừa mới “khởi nghiệp”.
Quả vậy, sau 8 lần Cần Thơ tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ vừa qua, rất nhiều nghệ nhân đã ăn nên làm ra từ tài nghệ, từ chái bếp quê nhà. Có người đã mở kinh doanh từ trước đó nhờ Lễ hội mà thêm “ăn nên làm ra”; có người sau khi tham gia Lễ hội đã mạnh dạn khởi nghiệp từ chiếc bánh quê hương. Riêng ở TP Cần Thơ, rất nhiều nghệ nhân đã nổi tiếng và có cuộc sống khấm khá từ sau khi tham gia Lễ hội. Có thể kể đến như nghệ nhân Chín Hồng, Lâm Thị Khuya, Lâm Thị Hoa Lài, Phạm Thị Hồng Loan… Một đơn cử là cô Hà Thị Sáu, nghệ nhân Làng nghề Bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt). Mấy lần tham gia Lễ hội và đoạt Huy chương Vàng với món bánh cuốn ngọt, chuyện làm ăn của cô Sáu phát triển rất nhiều. Cô nói: “Vào mùa là làm không kịp bán. Nhiều người thấy mặt mình quen quen thì hỏi phải cô bán ở Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ không. Có thương hiệu rồi thì khách tham quan cũng tăng lên nhiều”.
Soạn giả Nhâm Hùng, người từng rất nhiều năm làm giám khảo Hội thi làm bánh trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, khi tham quan cửa hàng bánh của cô Chín Chiều đã nói: “Lại là một cái kết có hậu của Lễ hội bánh mà Cần Thơ dày công gầy dựng”. Theo ông Hùng, lễ hội này lâu dần không chỉ là điểm tham quan, giải trí đơn thuần cho du khách mà còn thực sự phát huy ý nghĩa bảo tồn giá trị ẩm thực Nam bộ; khơi dậy niềm đam mê, tạo sinh kế cho các nghệ nhân. Đây cũng là điều được ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, đơn vị nhiều năm liền chủ công tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, nhấn mạnh khi nói về ý nghĩa của sự kiện văn hóa thường niên này: “Tạo sinh kế cho nghệ nhân để họ an tâm giữ nghề!”.