“Ăn bông điên điển…
Mùa nước nổi, những cánh đồng chìm trong biển nước. Ai đó từng bảo rằng đó là tấm áo màu bạc, long lanh và rất bình dị. Thật tuyệt vời khi trên chiếc áo trắng bạc đó, thiên nhiên lại ưu ái ban tặng cho một loài hoa khoe sắc vàng rực như điểm xuyết thêm cánh đồng nước nổi. Nhìn bông điên điển đương khi hoàng hôn rải những tia nắng vàng vọt cuối cùng của ngày, mới thấy hết cái đẹp bình yên và chân chất của cánh “mai vàng mùa nước nổi”. Chỉ cần dọc theo những mé sông, bờ đê hay kênh, rạch là dễ dàng bắt gặp màu vàng tươi của bông điên điển. Đâu chỉ để ngắm nhìn hay làm đẹp cho đời theo cách riêng của nó, loài hoa ấy từ lâu đã trở thành một loại “đặc sản” của người dân miền Tây Nam Bộ. Không chỉ một món, người ta còn chế biến được rất nhiều món ăn dân dã, độc đáo từ mớ bông điên điển vừa hái được sau nhà. Bà ngoại tôi ngày xưa vẫn thường nói: “Đừng coi thường bông điên điển, bởi thời của bà, nó là một trong những loại cây “cứu đói” độc đáo của dân quê mỗi khi nước tràn đồng!”.
“Đặc sản” canh chua bông điên điển cá linh
Dù bông điên điển ngày nay đã được người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập và xuất hiện quanh năm ở các sạp ngoài chợ nhưng trong ký ức của bà và mẹ tôi thì bông điên điển mùa nước nổi mới là ngon nhất. Có lẽ với thế hệ trước, những người đã từng có thời gian vất vả khi sống chung với lũ mới có thể cảm nhận hết vị ngon và quý của chùm bông điên điển mọc dại như thế nào. Còn trong ký ức của tôi, loài hoa vàng thanh tao, mộc mạc ấy là món ăn yêu thích của gia đình. Ngày ấy, mỗi lần về quê chơi, ngoài chèo xuồng đi câu cá, tôi thích nhất là theo ba len lỏi mũi xuồng qua từng bụi cây điên điển để hái bông. Chớp mắt mà cái rổ to trên tay tôi đã đầy ấp bông điên điển vàng ươm. Với mớ bông quê ấy, mẹ nấu món canh chua bông điên điển với cá linh thì thể nào cũng… hết sạch nồi cơm.
Với món ăn này thì tùy vào khẩu vị mỗi người, lại có cách chế biến khác nhau. Song, đơn giản nhất vẫn là nêm nếm nước dùng với me chua, đường, muối, nước mắm cho vừa khẩu vị rồi cho hết bông điên điển vào, khuấy đều thật nhẹ giữa lúc con cá linh béo ngậy vừa chín tới, cho thêm ít rau tần thơm, vài miếng ớt xắt và tỏi phi thơm là đã ngon hết sảy. Tô canh chua nóng hổi với nguyên liệu chính là cá linh mùa lũ, bông điên điển tươi giòn, lẫn vị bùi bùi và nhân nhẫn hòa với cái vị chua thanh tao của me non và cay nồng của trái ớt hiểm, phút chốc trở thành món ăn “đặc sản” say lòng biết bao người. Ngoài canh chua, bông điên điển còn được chế biến thành nhiều món hấp dẫn khác như: gỏi bông điên điển, lẩu mắm nhúng bông điên điển, điên điển xào tép đồng, bánh xèo bông điên điển… Thế đó, những món ăn làm từ bông điên điển không quá cầu kỳ, hoa mỹ trong chế biến nhưng mang lại hương vị rất đặc trưng khó kiếm được ở bất kỳ đâu, khiến ai đã ăn một lần sẽ nhớ mãi.
…nghiêng mình nhớ đất quê!”
Bông điên điển đẹp không chỉ vì sắc hoa vàng rực rỡ với những chùm hoa mong manh tưởng chừng dễ dàng bị gió cuốn đi, loài bông ấy còn đẹp hơn vì nó mang lại lợi ích kinh tế. Mẹ tôi vẫn thường kể, mùa nước nổi của nhiều năm trước, mẹ vẫn chèo xuồng hái bông điên điển dọc theo mé sông trước nhà. Chăm chỉ rảo một lượt là có thể mang ra chợ bán, kiếm được bữa cơm rồi! Bây giờ, “chùm hoa mùa lũ” ấy lại càng có giá trị hơn vì chỉ vài tháng mùa nước nổi cũng có người thu hoạch và bán được tiền triệu. Thời điểm này, chạy dọc những con đường quê sẽ thấy rất nhiều những chiếc rổ chất đầy bông điên điển của người dân hái bán. Tất nhiên, giá sẽ “mềm” hơn ở chợ nhiều. “Lộc trời cho” nên ai có nhiều bụi điên điển thì thu hoạch nhiều hơn, bán cho khách vãng lai với giá phải chăng, từ 30.000-40.000 đồng/kg. Điên điển bán tươi không hết, bà con còn linh hoạt chế biến thành món dưa chua điên điển vừa lạ, vừa quen.
Hớn hở khoe có được vài bụi bông điên điển sát nhà và con rạch phía đối diện, bà Nga (50 tuổi, ngụ xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành) cho biết: “Tôi bắt đầu bán bông điên điển từ bữa nước lên đến giờ. Một năm được một mùa vậy đó, không nhiều nhưng cũng giúp tôi kiếm thêm chút đỉnh xoay xở cuộc sống. Một ngày, tôi thu hoạch chừng 3kg bông, bán với giá 30.000 đồng/kg. Bông điên điển ngon nhất là khi được thu hoạch lúc chạng vạng vì lúc đó bông chưa nở, còn nguyên búp, ăn sẽ có vị bùi bùi và ngon hơn bông đã nở. Mùa này, nhà ai có được năm bảy bụi điên điển thì phấn khởi lắm, vì vừa được ăn những bông ngon lại còn có thể bán, kiếm thêm thu nhập”. Theo bà Nga, thời điểm hái bông điên điển từ 3-5 giờ sáng. Lúc đó, sương đêm còn đọng trên nhành bông, làm tươi giòn thêm khi chế biến món ăn. Nếu không hái được thời điểm trên thì coi như không thu hoạch được mớ điên điển đó nữa vì đã qua “giờ vàng” để hái. Bởi hái lúc đương chiều thì bông đã nở to, không còn giữ được độ giòn nên có bán cũng không ai mua.
Hình ảnh bông điên điển từ lâu đã rất bình dị xuất hiện trong những bài hát, bài thơ. Phải chăng vì sắc hoa vàng tươi mênh mông giữa đồng nước đã làm say đắm bao tâm hồn đồng điệu. Riêng những ai đã từng sống trên mảnh đất miền Tây thân yêu, hào sảng này thì hẳn sẽ cảm thấy bồn chồn, lưu luyến về loài bông bình dị ấy, để rồi bất chợt lại ngân nga câu hát: “Ăn bông mà điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê, hò ơ, ơi hò…!” mỗi lần nhớ quê.