Đứng vững trên đôi tay tài hoa

Thứ bảy, 05 Tháng 10 2019 16:00 (GMT+7)
Cơn sốt bại liệt từ nhỏ đã lấy đi của anh Huỳnh Thế Bình (38 tuổi, ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đôi chân khỏe mạnh. Nhưng bù lại, đời cho anh đôi tay tài hoa cùng nghị lực vươn lên để đắp xây hạnh phúc và làm đẹp cho đời.

Tại Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền mới đây, anh Bình trình diễn trong gian hàng của quận Bình Thủy, du khách vây quanh khen ngợi đôi tay tài hoa khi chạm trổ, điêu khắc trên những mảnh gỗ mỏng. Đó là những hình trái tim, quyển sách, rồi móc khóa, kệ để điện thoại… xinh xắn và tiện dụng. Trên đó, anh Bình lộng những dòng chữ theo yêu cầu của khách. Có thể là tên người, con số kỷ niệm… Anh Bình thích và cảm xúc nhất là khi khách yêu cầu lộng những dòng chữ: “Con yêu cha mẹ”, “Công cha nghĩa mẹ”, “Kính tặng cha mẹ”… “Những dòng chữ đó ý nghĩa và nhắc nhở mọi người về đạo nghĩa ở đời. Tôi rất vui vì giúp mọi người ghi lại những tình cảm đẹp đó”, anh chia sẻ.

Anh Bình tại Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền. 

Tôi đã từng gặp anh Bình nhiều lần lúc còn là sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ. Anh Bình lúc đó mới ngoài 20 tuổi, ngồi lộng chữ, tạo hình từ gỗ làm đồ lưu niệm trước cổng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng. Anh Bình vui vẻ, thân thiện và luôn sẵn lòng giúp sinh viên lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ thông qua từng móc khóa, ống viết… Nhiều người bạn của tôi giờ vẫn giữ những món đồ lưu niệm do anh Bình làm như cách lưu lại ký ức sinh viên.

Nhắc lại kỷ niệm đó, anh Bình kể, đó là khoảng thời gian anh được học nghề ở Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ và chập chững vào đời bằng đôi tay tài hoa. Thời đó, nghề này rất được khách hàng yêu thích nên có thu nhập tốt. Bây giờ dù đã qua thời hoàng kim nhưng nghề làm đồ lưu niệm cũng giúp anh Bình có cuộc sống ổn định. Anh Bình cho biết, học nghề này là học những kỹ thuật cơ bản nhưng đòi hỏi mỗi người phải tự trau dồi, sáng tạo thêm. Chạm lộng tạo hình trên gỗ đòi hỏi người làm phải có tính tỉ mỉ, kiên trì và nhẫn nại. “Đừng nóng tính, cứ từ từ làm, lỡ tay làm hư thì làm lại”, anh Bình diễn giải thêm. Một yếu tố để thu hút khách hàng là phải bắt kịp xu hướng. Ví như anh Bình khắc, lộng chữ là tên những nhóm nhạc hay nghệ sĩ đang được giới trẻ mến mộ; hay “chế biến” giá đỡ để điện thoại bằng gỗ xinh xắn… Nhờ vậy mà sản phẩm lưu niệm của anh Bình không lỗi thời.

Loại gỗ mà Bình chọn làm đồ lưu niệm là gáo vàng. Anh đi đâu thấy có cây thì hỏi mua, cắt từng đoạn và đem xẻ gỗ thành từng miếng mỏng. Tự tay anh chà nhám, từ nhám to đến nhám nhuyễn, để miếng ván đẹp. Sau khi chạm, lộng xong, anh Bình còn quết dầu bóng, sơn lên để sản phẩm thêm bắt mắt. Bấy nhiêu công chuyện ấy anh Bình đều làm hết và với những bất tiện bởi đôi chân, thì quả là không dễ chút nào. Vậy nhưng, anh Bình vẫn cố gắng bằng nghị lực và niềm tin cuộc sống.

Giờ nhìn lại, anh Bình vẫn cho rằng mình “có phước”. Vợ anh dù bị bệnh ngoài da mãn tính nhưng rất chăm chỉ làm việc, hết lòng vì gia đình; cô con gái học lớp 2 chăm ngoan, học giỏi. Nghề làm đồ mỹ nghệ này ngoài ổn định cuộc sống còn giúp anh tự tin giao tiếp với mọi người. Trong căn nhà nhỏ gần chợ Miễu Ông (phường Long Tuyền), thỉnh thoảng anh chị lại song ca, lấy âm nhạc làm niềm vui. Anh Bình và chị Trang - vợ anh, ai cũng ca hay, cả tân nhạc lẫn vọng cổ. Mái ấm yêu thương ấy là nghị lực để cả 3 thành viên phấn đấu sống tốt từng ngày. Hạnh phúc từ những điều giản đơn như thế..

Bài, ảnh:  Đăng Huỳnh - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống