Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP Cần Thơ cho biết, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã nêu rõ về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; nghiêm cấm các hành vi tuyên truyền, phổ biến hoặc đưa ra những nội dung thông tin có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có ảnh hưởng xấu đến công tác dân số và đời sống xã hội. Do đó, trong các cuộc tuyên truyền về DS-KHHGĐ, cán bộ dân số luôn lồng ghép nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy của nó.
Cán bộ y tế góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về phòng tránh mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh minh họa: Bác sĩ Trạm Y tế xã Đông Thuận, huyện Thới Lai siêu âm cho người bệnh.
Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số, Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP quy định chi tiết nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi theo 3 nhóm. Đó là nhóm tuyên truyền, phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, nhóm chẩn đoán giới tính thai nhi vì mục tiêu lựa chọn giới tính và nhóm phá thai dưới mọi hình thức vì lý do lựa chọn giới tính.
Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ còn quy định mức xử phạt về các hành vi vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 15 triệu đồng cùng với các biện pháp khắc phục hậu quả. Nghị định này cũng nêu, các hành vi chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng về việc chẩn đoán, tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bên cạnh đó còn có hình thức xử phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề đối với cơ sở y tế, cán bộ y tế vi phạm.
Những hành vi vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi như đe dọa, dùng vũ lực, ép buộc, uy hiếp tinh thần, buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn, hay chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc, cung cấp thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Bên cạnh đó còn chịu hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật được sử dụng để thực hiện hành vi, đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, nghiên cứu; đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bị xử lý với mức phạt càng tăng cao, từ mức 3 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, những nguyên nhân dẫn tới vi phạm, trước hết, do việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về dân số còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về xuất bản phẩm và phát hành sách liên doanh, liên kết còn nhiều bất cập. Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng các cấp chưa thường xuyên, thiếu sát sao. Việc kiểm soát các hoạt động và đưa nội dung thông tin vào các sách, ấn phẩm hoặc website còn thiếu chặt chẽ… Ngoài ra, chẩn đoán giới tính thai nhi sớm cũng là nguyên nhân dẫn tới vi phạm. Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, nhiều biện pháp xác định giới tính thai nhi từ rất sớm (8 tuần tuổi), thực hiện đơn giản, độ chính xác cao. Tỷ lệ bà mẹ mang thai biết giới tính thai nhi trước khi sinh ngày càng tăng, trong đó, có thể có trường hợp lợi dụng để phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.
Thực tế thanh tra, kiểm tra thời gian qua cho thấy rất ít cơ sở y tế công khai chẩn đoán giới tính thai nhi; rất khó phát hiện những trường hợp chẩn đoán giới tính thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. Một số ý kiến cho rằng, nhu cầu sớm biết giới tính thai nhi của các bà mẹ là bình thường và chính đáng, vấn đề cần quan tâm là các bà mẹ suy nghĩ và hành động như thế nào khi biết sớm giới tính thai nhi, chứ không phải bà mẹ nào muốn biết sớm cũng nhằm mục đích lựa chọn giới tính của con. Quy định của pháp luật chỉ cấm chẩn đoán giới tính thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. Pháp luật cũng quy định, phá thai là quyền của phụ nữ, không quy định điều kiện phá thai (trừ có chống chỉ định về y tế), nên rất khó xác định các trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính...