Chủ động ứng phó với đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch

Thứ bảy, 19 Tháng 10 2019 06:27 (GMT+7)

Thực hiện chỉ đạo của ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố về việc triển khai các giải pháp khẩn cấp ứng phó với đợt triều cường đầu tháng 10 (âm lịch) dự báo mực nước cao nhất vào các ngày 28, 29, 30-10-2019, các sở, ngành chức năng đã khảo sát những tuyến đường ngập sâu để chủ động phòng ngừa và giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại do triều cường, mưa lũ gây ra cho người dân khi tham gia giao thông trong thời điểm này. Qua khảo sát cho thấy, trên địa bàn quận Ninh Kiều có 61 tuyến đường bị ngập với mức độ ngập sâu từ 0,25m đến 0,6m; quận Cái Răng 13 tuyến bị ngập; quận Bình Thủy có 6 tuyến; quận Ô Môn 13 tuyến; quận Thốt Nốt có 9 tuyến; huyện Thới Lai có 2 tuyến bị ngập.   

Cảnh sát giao thông trực tiếp điều tiết giao thông tại nút giao IC3.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT thành phố đề nghị UBND quận, huyện; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ; Ban Quản Dự án ODA; Chi cục Quản lý đường bộ IV.5; Chi cục Quản lý đường bộ IV.7 khẩn trương triển khai giải pháp đảm bảo ATGT, chủ động ứng phó với triều cường. Trong đó, Sở GTVT đề nghị UBND quận, huyện (các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường địa phương) chỉ đạo lực lượng chức năng và các phòng, ban chuyên môn tổ chức rà soát toàn bộ những đoạn tuyến đường bộ bị ngập nước trên địa bàn, chủ động bố trí lực lượng và phương tiện để tổ chức giao thông và hỗ trợ khi cần thiết. Phối hợp với các đơn vị, đoàn thể của chính quyền cấp cơ sở tại địa phương thực hiện tuyên truyền cho người dân về các đoạn tuyến đường bộ thường xuyên bị ngập nước, giờ ngập nước, chiều sâu mực nước nguy hiểm... để người dân chủ động sắp xếp thời gian tham gia giao thông, hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong đó, tập trung kiểm tra toàn bộ hệ thống thoát nước, hố thu, cửa xả; các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường xe chạy để có giải pháp cố định an toàn khi áp lực nước dâng cao gây bong bật, tạo thành các hố sâu nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Phối hợp các đơn vị quản lý rà soát các trụ điện chiếu sáng trang trí, chiếu sáng công cộng và đèn tín hiệu giao thông trên đường bộ, cột điện, không để tình trạng rò điện khi nước ngập, gây nguy hiểm tính mạng cho người tham gia giao thông. Duy tu sửa chữa hệ thống cầu, đường đảm bảo mặt đường êm thuận, không để xuất hiện các vị trí hằn lún sâu, ổ gà; căng dây, cắm biển cảnh báo, dây cảnh báo, đèn chớp cảnh báo tại vị trí các tuyến đường cặp bờ kênh, mương, hồ, ao ngập sâu nguy hiểm khi triều cường dâng cao; nạo vét hệ thống kênh, mương, rạch thoát nước, thanh thải chướng ngại vật cản trở dòng chảy, luồng tàu chạy và bổ sung đầy đủ các thiết bị cảnh báo, hệ thống phao tiêu phân luồng trên các tuyến đường thủy nội địa thuộc địa bàn quản lý. 

Sau các đợt triều cường, các đơn vị thống kê báo cáo tình hình hư hỏng, sự cố cầu, đường cần phải khắc phục nhằm khôi phục hoạt động giao thông thông suốt, an toàn, gửi Sở GTVT tổng hợp, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo thực hiện.

Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống