Trước đó, từ ngày 18-9 đến 10-10, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn nhận đăng ký của các tập thể mua vé và cũng bắt đầu bán ra từ 8 giờ ngày mai (20-10), với tổng số chỗ cung ứng khoảng 287.000 chỗ. Trong đó, có khoảng 8.500 vé các tập thể đăng ký mua đã được thống kê.
Mua vé qua nhiều kênh
Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, lịch chạy tàu Tết nguyên đán 2020 được tính từ ngày 12-1 đến hết ngày 11-2-2020 (tức từ 18 tháng chạp đến 18 tháng giêng). Sẽ có 10 đôi tàu Thống Nhất và 12 đôi tàu khu đoạn hoạt động trong thời gian cao điểm Tết. Riêng thời gian nghỉ Tết, công ty sẽ tổ chức chạy thêm các đôi tàu từ TP HCM đến Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Nha Trang và ngược lại.
Việc bán vé tàu Tết nguyên đán năm nay được mở rộng qua nhiều kênh, cụ thể là hành khách có thể mua trên các website www.dsvn.vn; vetau.com.vn, giare.vetau.vn. Đồng thời, vé cũng được bán tại các nhà ga, điểm bán vé cùng các đại lý thuộc ngành đường sắt và qua ứng dụng ví điện tử như MoMo, Vimo, ứng dụng ViettelPay... Mỗi hành khách được đặt chỗ và mua không quá 4 vé cho chiều đi và 4 vé chiều về.
Khách đi tàu phải có “thẻ lên tàu” hợp lệ và thông tin cá nhân trùng khớp
Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, những ngày cao điểm Tết, nhu cầu đi lại tăng cao nên ngành đường sắt sẽ thực hiện việc chuyển đổi giường nằm thành ghế ngồi, đồng thời tổ chức bán vé ghế phụ. Theo đó, tại các toa giường nằm khoang 4 giường, giường tầng 1 sẽ được chuyển đổi thành 3 ghế ngồi mềm (một số đoàn tàu như SNT1/SNT2, SNT11/SNT12 chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang và ngược lại không bán vé chuyển đổi). Còn đối với phương án bán vé ghế phụ, ông Văn cho biết sẽ bố trí ngồi bằng ghế nhựa với giá bằng 80% giá vé loại chỗ thấp nhất trên đoàn tàu đó (riêng tàu SNT1/SNT2, SNT11/SNT12 chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang và ngược lại; tàu SPT1/SPT2 chạy tuyến Sài Gòn - Phan Thiết và ngược lại; toa xe đã chuyển đổi thành ghế ngồi mềm thì không bán ghế phụ).
Cũng theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, hành khách khi đặt chỗ thành công có nhiều hình thức để thanh toán, như qua mạng hoặc trực tiếp tại các nhà ga, đại lý bán vé, các điểm giao dịch... Trong khi đó, thời gian thanh toán cũng được quy định như sau: đối với vé mua trực tuyến, thời hạn là 30 phút, kể từ lúc đặt vé thành công; với các vé thanh toán trả sau khi đã đặt chỗ, trong 11 ngày đầu bán vé (từ ngày 20 đến 31-10), thời hạn thanh toán trong vòng 48 giờ. Sau đó, từ 0 giờ ngày 1 đến 15-11, thời hạn thanh toán sau khi đặt chỗ thành công là 24 giờ; từ 0 giờ ngày 16-11 trở đi, thời hạn thanh toán sau khi đặt chỗ thành công là 12 giờ như hiện nay.
Quyết ngăn đầu cơ
Với việc nhắn tin lấy số thứ tự mua vé, bắt đầu từ 8 giờ ngày 19-10, hành khách đã có thể thực hiện để ngày 20-10 đến ga Sài Gòn (trên lầu) mua vé theo số thứ tự đã đăng ký. Theo cách thức ngành đường sắt công bố, khách muốn lấy số thứ tự mua vé thì soạn tin nhắn theo cú pháp: GASG TÊN XXXX gửi 8377 (ví dụ: GASG HUNG 1234 => gửi 8377). Trong đó, GASG là mã dịch vụ lấy số thứ tự; TÊN: tên của người đến mua vé, tên viết liền, không dấu và XXXX là 4 ký tự cuối của giấy tờ tùy thân (thẻ căn cước, CMND, hộ chiếu, bằng lái...).
Hành khách sau khi nhắn tin có thể kiểm tra số thứ tự mua vé hiện đang phục vụ đến số bao nhiêu nhằm lựa chọn thời gian phù hợp đến ga, tránh phải đợi lâu. Việc nhắn tin để biết thông tin này thực hiện theo cú pháp: GASG KT => gửi 8377. Theo kế hoạch của ngành đường sắt, thời gian nhận tin nhắn của hành khách lấy số thứ tự từ 8 giờ đến 18 giờ mỗi ngày. Trong ngày 20-10 (ngày đầu tiên mở bán), vé Tết bắt đầu bán ra từ 8 giờ đến 22 giờ, những ngày sau đó sẽ bán vé từ 7 giờ đến 22 giờ. Đồng thời, số lượng số thứ tự cấp mỗi ngày là 2.000 số và sẽ cấp liên tục cho đến hết 10.000 số, dùng để mua vé tàu Tết trong 5 ngày (từ 20 đến 24-10).
Từ ngày 25-10, hành khách mua vé tàu Tết đến lấy số thứ tự trực tiếp tại ga Sài Gòn (ví dụ: ngày 19-10, khách nhắn tin quá 2.000 số thứ tự mua vé của ngày 20-10 thì hệ thống sẽ cấp số thứ tự sang ngày 21-10 để đến mua vé vào ngày 21-10 và tiếp tục cấp đến hết 10.000 số). Hành khách đã có mã đặt chỗ, đến ga Sài Gòn thanh toán trả sau: Lấy số thứ tự trực tiếp tại quầy để thanh toán tiền và nhận vé. "Mỗi số thứ tự được mua không quá 4 vé một chiều và một số điện thoại di động chỉ được nhắn tin cấp số thứ tự không quá 2 lần. Khi đến ga mua vé, hành khách phải mang theo tin nhắn về số thứ tự và giấy tờ tùy thân có thông tin phù hợp trong tin nhắn...
Ông Đỗ Quang Văn khẳng định khách đi tàu phải có "thẻ lên tàu" hợp lệ và thông tin cá nhân trùng khớp. Cụ thể, người trên 14 tuổi khi đi tàu phải xuất trình một trong những loại giấy tờ như CMND, hộ chiếu, giấy phép lái xe, thẻ nhà báo... Còn đối với khách đi tàu từ 6 tuổi đến 14 tuổi không có CMND, hộ chiếu thì xuất trình một trong các loại giấy tờ như giấy khai sinh, giấy xác nhận...
Trong khi đó, để ngăn tình trạng "cò" đầu cơ vé, ông Đỗ Quang Văn cho biết trên hệ thống, ngoài chức năng ngăn chặn các đối tượng sử dụng phần mềm giữ chỗ hàng loạt, công ty cũng đã điều chỉnh hệ số thời gian nhằm tránh tình trạng giữ vé để đầu cơ. Cụ thể là sau khi đặt chỗ thành công trên mạng, trong khoảng 10 ngày đầu bán vé, hành khách có 48 giờ để thanh toán, thay vì như trước cao nhất là 72 giờ. Nếu quá hạn giữ chỗ, vé tàu sẽ được trả về hệ thống một cách ngẫu nhiên và bất cứ ai có nhu cầu cũng có thể đặt mua. Ngoài ra, mức phí đổi trả vé cũng áp dụng 30% giá vé đã mua, thời gian đổi trả chậm nhất 10 giờ trước giờ tàu chạy.
"Hành khách không nên mua vé bên ngoài từ "cò" chợ đen, các đại lý trá hình bởi sẽ mất tiền mà còn không đi được tàu. Đồng thời, hành khách nên lưu giữ mã vé của thẻ lên tàu để tra cứu lại thông tin đi tàu khi cần thiết" - ông Đỗ Quang Văn khuyến cáo.
Bến xe chuẩn bị thật kỹ
Theo lãnh đạo Bến xe Miền Đông và Miền Tây - 2 bến xe liên tỉnh lớn nhất TP HCM, hiện đơn vị đang chuẩn bị thật kỹ cho kế hoạch phục vụ Tết nguyên đán 2020.
"Khoảng 2 tháng trước Tết, chúng tôi sẽ công bố cụ thể kế hoạch bán vé cũng như giá vé một cách công khai cho hành khách nắm nhằm chủ động trong đi lại" - lãnh đạo Bến xe Miền Đông nói.