Ngày 05/5/2008 bà Hà khẳng định, không đến Phòng công chứng để ký tên bán đất cho ông Xóc. Chữ ký và chữ viết tên của bà trong hợp đồng là do người khác giả mạo. Vì vậy, việc triệu tập ông Phí Quang Lưu đến tòa làm nhân chứng là rất cần thiết. Sơ thẩm trước ông Lưu đã vắng mặt, lần này nếu Tòa án triệu tập mà ông Lưu cố tình không đến không có lý do chính đáng thì căn cứ vào khoản 8 Điều 78 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Thẩm phán, Hội đồng xét xử nên ra quyết định dẫn giải ông Lưu đến Tòa để sự việc được chứng minh công khai, rõ ràng không thiệt hại quyền lợi đôi bên.
“Trong vụ kiện này, tôi cho rằng hành vi của ông Phí Quang Lưu đã không tuân thủ Điều 3, Điều 12 và có thể bị xử lý theo Điều 58 của Luật Công chứng năm 2006. Và theo đơn phản tố của bà Lê Thị Hà với yêu cầu “Hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và hủy Giấy Chứng nhận QSDĐ” để quyền và lợi ích hợp pháp của bà ta không bị thiệt hại. Lúc này, Phòng Công chứng số 2 tỉnh Kiên Giang và Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc sẽ tham dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tôi tin, nếu Hội đồng xét xử công minh chắc chắn sẽ chấp nhận yêu cầu hợp tình, đúng lý của bà Hà” - Luật sư Nhựt nêu vấn đề.
Luật sư Giã Hoàng Nhựt cho biết, vào ngày 25/10/2019 tới đây, TAND huyện Phú Quốc sẽ mở lại phiên tòa xét xử vụ tranh chấp đất giữa bà Hà và ông Xóc.
“Nếu TAND huyện Phú Quốc không mời được ông Phí Quang Lưu, công chứng viên phòng Công chứng số 2 tỉnh Kiên Giang đến dự phiên tòa thì hoãn hay tiếp tục xử là thẩm quyền của Hội đồng xét xử, tôi không thể dự đoán được”.
Luật sư Giã Hoàng Nhựt cho biết thêm, việc TAND huyện Phú Quốc không mời được ông Phí Quang Lưu, công chứng viên phòng Công chứng số 2 đến dự phiên tòa được thì theo quy định tại Khoản 8, Điều 78 của Bộ luật TTDS Quy định về quyền, nghĩa vụ của người làm chứng: “Phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên”.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.