Theo dự báo của ngành chức năng, sự tàn phá của thiên tai ngày càng nghiêm trọng hơn. Trước tình hình này, UBND tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn tỉnh và thực hiện nhiều giải pháp khắc phục thiệt hại...
Lo sạt lở...
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh có trên 2,2km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 476 căn nhà bị sập và 16.935ha hoa màu, lúa bị thiệt hại. Đáng nói hơn, thiên tai còn làm 5 người bị thương và 1 người chết. Trong đó, Kế Sách là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề và thường xuyên nhất khi chiếm hơn 50% số vụ và chiều dài bị sạt lở lên gần 1,3km. Nguy hiểm nhất là sạt lở bờ sông Rạch Vọp đoạn qua khu vực chợ Cầu Lộ thuộc xã Thới An Hội, bị sạt lở khoảng 230m, làm 9 căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông. Vụ sạt lở nghiêm trọng khác là tại ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, nhấn chìm 20m đoạn đê bao và một nhà dân xuống sông Cái Côn... Ông Lê Ngọc Lâm là nạn nhân trong vụ sạt lở vừa nêu, kể: “Sạt lở xảy ra khá bất ngờ, bởi trước đó, không có một dấu hiệu rạn nứt hay sụt lún nào. Khoảng hơn 3 giờ, sạt lở một nhà sàn, kế đó là con lộ, rồi ở trên là nhà kho, sau đó là căn nhà của tôi xuống sông hoàn toàn! Chính quyền địa phương và người dân đang gia cố lại bờ đê. Tôi mong đợt triều cường tới sẽ không ảnh hưởng đến các hộ dân khác”.
Tình hình sạt lở bờ sông huyện Kế Sách ngày càng nghiêm trọng.
Theo ông Phan Hải Hoàng Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, diễn biến sạt lở tại đoạn đê dọc sông Cái Côn, ấp Hòa Thành khá nhanh. Đến nay đã có hơn 20m đê bị sạt lở, sâu vào đất liền 10m... Ước thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Nguyên nhân gây sạt lở được cho là do mực nước trên sông cạn hơn mỗi năm, dòng chảy xoáy khuyết sâu vào chân đê và đê bao cũng được xây dựng lâu năm.
Các địa phương ven sông khác như: đoạn qua khu vực thị trấn Đại Ngãi, xã Long Đức và xã Song Phụng, huyện Long Phú cũng bị sạt lở khoảng 990m, đe dọa đến an nguy của hàng trăm hộ dân sinh sống và các công trình hạ tầng, đường giao thông khác.
Tại thị xã Vĩnh Châu, đoạn sạt lở bờ biển được ngành chức năng nhận định là đặc biệt nguy hiểm khi chiều dài sạt lở và có nguy cơ sạt lở lên đến gần 6km xảy ra từ khu vực giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4 thuộc địa phận xã Lai Hòa và xã Vĩnh Tân. Trong đó, có đoạn sạt lở ở đoạn cống số 2 (kéo dài từ địa phận giáp tỉnh Bạc Liêu đến xã Lai Hòa), chiều dài khoảng 3km. Đoạn này được Trung ương bố trí vốn để thực hiện hạng mục công trình gia cố sạt lở đê và tỉnh đang triển khai thực hiện. Đoạn từ cống số 2 đến cống số 4 nằm trên địa bàn hai xã Lai Hòa và xã Vĩnh Tân với chiều dài khoảng 3km được ngành chức năng nhận định có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Khẩn cấp gia cố kè, đê...
Cùng với tình trạng sạt lở, đợt triều cường cao kỷ lục được ghi nhận là lớn nhất trong 10 năm qua, xuất hiện vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua - nước tràn đê, vỡ đê… khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản ở các huyện, như: Long Phú, Mỹ Tú, Kế Sách và Cù Lao Dung bị thiệt hại nghiêm trọng; đời sống sản xuất của người dân bị xáo trộn...
Anh Trương Văn Công ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Tôi có 2ha ao nuôi tôm trong khu vực đoạn bờ bao bị sạt lở. Trong đó, 4 ao nuôi tôm bị thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Tôi còn trên 10 ao nuôi tôm khác trong khu vực đang bị đe dọa sạt lở… Dù người dân và chính quyền đã cùng nhau gia cố đê bao tạm thời, nhưng tôi rất lo những đợt triều sắp tới nước sẽ dâng cao hơn”. Theo ông Trần Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, đợt triều cường vừa qua, thống kê ban đầu, có khoảng 40 đoạn bờ bao bị ngập và tràn, cùng nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn… gây ngập nhiều nhà cửa, hoa màu và ao nuôi thủy sản của người dân. Phòng Nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại tình hình triều cường và tuyên truyền, vận động người dân gia cố, khắc phục những đoạn bị tràn, bị sạt lở để làm giảm thiệt hại đến đời sống và sản xuất.
Nhiều đoạn bờ sông, bờ biển đang trong tình huống khẩn cấp sạt lở nguy hiểm
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn tỉnh của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, các đoạn bờ sông sạt lở nguy hiểm khẩn cấp, gồm: kênh Thạnh Mỹ thuộc ấp Hòa Tần, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên; bờ sông rạch Mọp, rạch Mương Điều, rạch Củi, xã Song Phụng; sông Saintard, xã Long Đức; rạch Mây Hắt, xã Phú Hữu; rạch Vàm Thép, rạch Mây Hắt, xã Hậu Thạnh thuộc huyện Long Phú. Các đoạn sạt lở bờ sông Hậu, khu dân cư Xóm Đáy, ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung. Sạt lở bờ sông Mỹ Thanh, khu vực ấp Phạm Kiểu, hạ lưu cống Vàm Trà Nho, ấp Tân Tĩnh, xã Vĩnh Hiệp thuộc thị xã Vĩnh Châu. Trên địa bàn huyện Kế Sách, các đoạn sạt lở bờ sông Cái Côn, xã Thuận Hòa; kênh An Mỹ, xã Nhơn Mỹ; kênh số 1, xã Ba Trinh, Kế An và Kế Thành; rạch Vọp thuộc xã Trinh Phú và bờ sông Hậu thuộc xã An Lạc Tây…
Đoạn bờ biển từ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4 thuộc xã Lai Hòa, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu cũng được đưa vào tình huống khẩn cấp dành cho khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: “Trong đợt triều cường tới, nếu cộng thêm ảnh hưởng của gió chướng thì triều cường sẽ dâng cao và những địa phương ven sông Hậu như Kế Sách, Cù Lao Dung sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên tuyến đê Tả Hữu ở huyện Cù Lao Dung chuẩn bị khắc phục tình trạng tràn đê trước đó. Đối với đê biển, hiện nay, tỉnh đã kiến nghị Trung ương gia cố sạt lở bờ biển trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu và làm kè ngầm. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ban, ngành đã xin ý kiến UBND tỉnh để tiến hành gia cố, bồi trúc đê đảm bảo an toàn trong thời gian tới”.
Từ kinh phí của Trung ương và của tỉnh, Sóc Trăng đang đẩy mạnh xây dựng các công trình gia cố sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Theo đó, công trình kè gia cố dài 1.493 mét tại bờ kênh số 1, khu vực chợ Kế Sách, huyện Kế Sách, đã cơ bản hoàn thành. UBND tỉnh đã trích 9,43 tỉ đồng từ ngân sách dự phòng để hỗ trợ các địa phương xây dựng công trình khắc phục các điểm sạt lở khác. Tỉnh dự kiến tiếp tục trích khoảng 25 tỉ đồng từ ngân sách dự phòng của tỉnh để hỗ trợ các địa phương thực hiện gia cố khẩn cấp các điểm sạt lở; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng kè gia cố khẩn cấp khu vực chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến sạt lở và khắc phục khẩn cấp. Các địa phương phối hợp với các ngành liên quan triển khai cắm biển báo, khoanh vùng sạt lở bờ sông để cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm. Khẩn trương lập phương án xử lý cấp bách tình trạng sạt lở. Tuyên truyền, phổ biến tình trạng sạt lở bờ sông nguy hiểm, khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân cũng như chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra…