Ban Tổ chức thông tin về lễ hội Dừa tại họp báo.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Lễ hội lần này có nhiều nét mới, hướng đến khai thác tiềm năng, thế mạnh, các giá trị tài nguyên bản địa độc đáo của tỉnh, thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội Dừa còn là động lực khuyến khích nông dân trồng dừa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả đầu tư trồng dừa. Các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nhằm đa dạng mẫu mã, chất lượng, hạ giá thành, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bến Tre gần 72.000 ha trồng dừa, chiếm 50% diện tích dừa cả nước, với 163.000 hộ dân trồng dừa. Sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra các hội thảo: “Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa thích ứng biến đổi khí hậu”, “Giải pháp phát triển du lịch Bến Tre trên cơ sở liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL”, “Các trường Đại học kỹ thuật với hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre”, “Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre”… Điểm nhấn của lễ hội năm nay là hoạt động “Cộng đồng vui hội làng Dừa”, thể hiện vai trò tham gia và hưởng thụ các giá trị mang lại từ lễ hội cho người dân.
Ban Tổ chức cho biết, năm nay còn diễn ra tuần lễ văn hóa - nghệ thuật - du lịch, tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và người sản xuất, chế biến dừa. Triển lãm sản phẩm dừa và hội chợ thương mại, dự kiến quy tụ khoảng 400 gian hàng trưng bày các sản phẩm dừa và một số loại cây đặc sản của tỉnh.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, Ban Tổ chức phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức “Ngày hội áo bà ba” và Vòng chung kết “Người đẹp xứ Dừa” nhằm tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ và trang phục truyền thống của người dân Bến Tre nói riêng và Nam Bộ nói chung.