Với phương châm “Ai thừa đến biếu, ai thiếu đến nhận”, ngày 25-8-2016, mô hình “Một tấm áo, một chân tình” được ra mắt, điểm hoạt động ngay tại Nhà Văn hóa khu vực 6. Bà Nguyễn Ngọc Tiết, Bí thư, Trưởng khu vực 6 và cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tấm lòng vàng của khu vực, cho biết: “Mô hình này do Chi hội Phụ nữ quản lý, là một trong nhiều mô hình thuộc Câu lạc bộ Tấm lòng vàng của khu vực. Mô hình nhằm khuyến khích tinh thần chia sẻ và tạo thuận lợi cho tinh thần này được phát huy, lan tỏa trong cộng đồng, hướng tới các hoàn cảnh khó khăn. Những tấm áo sẽ góp phần làm ấm lòng nhiều phận đời còn vất vả”. Với tinh thần đó, mô hình thu hút nhiều mạnh thường quân là các hộ gia đình khá giả hoặc làm nghề mua bán quần áo ở chợ. Vì vậy, không khó để bắt gặp những bộ trang phục mới, còn nguyên tem, nhãn. Chừng vài tháng 1 lần, khu vực lại tập hợp cán bộ, hội viên cùng tham gia lựa chọn quần áo, sau đó cử lực lượng giặt, tẩy, ủi kỹ lưỡng mới treo lên sào được dựng một góc phía trước cửa Nhà Văn hóa khu vực. Mỗi ngày, có người trông chừng, bảo quản quần áo và sẵn sàng hỗ trợ người đến nhận lựa chọn trang phục phù hợp.
Bà Lê Thu Nga, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực 6, cho biết: “Chỉ sau vài tháng, mô hình “Một tấm áo, một chân tình” được triển khai, các thành viên quản lý mô hình nhận thấy trong các loại trang phục được quyên góp, đồng phục học sinh chiếm khá nhiều. Vì vậy, chúng tôi thống nhất thành lập thêm mô hình “Áo trắng cho em”, để riêng những bộ đồng phục mới, giặt giũ sạch sẽ, sẵn sàng trao cho các học sinh còn thiếu đồng phục đến trường, nhất là dịp đầu năm học mới. Trung bình mỗi năm, mô hình trao khoảng 100 áo đồng phục cho học sinh”. Bà Nguyễn Ngọc Tiết chia sẻ, trong những mạnh thường quân thường xuyên đóng góp, có anh Nguyễn Tất Thắng, đảng viên của Chi bộ khu vực; chị Lài - một người dân địa phương; cán bộ phụ trách công tác mặt trận khu vực thường xuyên nhận quần áo về giặt sạch sẽ, tinh tươm. “Tôi từng chứng kiến một anh mua ve chai đi ngang, thấy quầy áo, muốn xin nhưng chần chừ hồi lâu mới dám hỏi. Biết được nhận miễn phí, anh ấy vui lắm” - bà Tiết nói.
Bà Nguyễn Ngọc Tiết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tấm lòng vàng khu vực 6, phường An Lạc giới thiệu những chiếc áo đồng phục của mô hình “Áo trắng cho em” còn lại, đang được treo tại Nhà văn hóa khu vực, chờ người đến nhận.
Cùng với mô hình “Một tấm áo, một chân tình”, còn có mô hình “Sách cũ hôm nay, tương lai ngày mai”, vận động sách cũ của các học sinh đã học qua, trao lại cho các em cần sử dụng. Gần đây, sách giáo khoa một số cấp học có đổi mới, các thành viên quản lý mô hình chuyển sang vận động sách mới tặng học sinh dịp đầu năm học. Chi hội Phụ nữ vận động cán bộ, hội viên phụ nữ có điều kiện cùng cán bộ khu vực đóng góp mua từ 20 bộ sách mới trở lên, trao tặng cho các em hằng năm. Cuối tháng 8-2019, khu vực còn vận động tiền mua bảo hiểm tai nạn cho 10 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của phường. Ông Lê Văn Thanh, hộ nghèo ở khu vực 6, phường An Lạc, có con gái đang học lớp 8, kể: “Mấy năm nay, nhờ hỗ trợ của mô hình “Áo trắng cho em” và các hoạt động tặng sách mới, bảo hiểm tai nạn, tôi nhẹ lo rất nhiều mỗi khi con gái vào năm học mới. Tôi sửa xe đạp, còn vợ tôi vừa bán nước mía vừa bán thêm vé số. Thu nhập bấp bênh, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nên những chương trình hoạt động của Câu lạc bộ Tấm lòng vàng hỗ trợ rất nhiều cho gia đình tôi”.
Bà Lê Thu Nga, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực 6 cho biết thêm, những trang phục dư ra do nhu cầu người nhận tại chỗ còn ít, cán bộ khu vực liên hệ và sắp xếp trao tặng cho những hộ nghèo trong các chuyến từ thiện ngoài tỉnh. Trong đó, mô hình đã từng hỗ trợ quần áo cho các hộ dân ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp; xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Quần áo trẻ em được ưu tiên trao tặng cho các cơ sở nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ.
Những mô hình hoạt động hướng tới nhu cầu thiết thực trong đời sống. Từng quyển sách, chiếc áo được trao tới tay người cần trở thành những “món quà” không chỉ có giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần vô giá. Với sự chung tay, góp sức của từng cán bộ, đảng viên, hội viên phụ nữ khu vực, hy vọng những mô hình này sẽ được duy trì, tiếp tục phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc.