Qua thực tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua cho thấy, nhiều loại cây ăn quả ở khu vực này đã cho lợi nhuận khá cao, không chỉ giúp người nông dân thoát nghèo mà trở thành tỷ phú. Trong đó cây sầu riêng có lợi nhuận khoảng 910 triệu đồng/ha; bưởi da xanh, cam xoàn, thanh long cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha; mít Thái hơn 364 triệu đồng/ha… cao hơn gấp nhiều lần so cây lúa.
Cùng với đó, các địa phương và ngành chức năng ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tập trung chính vào 5 loại cây ăn trái là thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn với diện tích 59.000ha được trồng rải vụ. Việc rải vụ nhằm tạo điều kiện tốt để tiêu thụ, giảm áp lực đầu ra khi sản lượng tập trung thu hoạch vào chính vụ, từ đó giá trái cây rải vụ luôn ổn định, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất cao hơn chính vụ khoảng 2 lần.
Quýt hồng Lai Vung- Đồng Tháp vào vụ (Ảnh: K.V)
Cũng theo Cục Trồng trọt , trong thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, nhất là những nơi sản xuất kém hiệu quả, thiếu nguồn nước ngọt. Tới đây cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng chất lượng, giá trị và bền vững; các địa phương xác định cây ăn trái chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để canh tác.
Đối với các loại cây trồng trên đất lúa cần chú trọng hệ thống tưới, thoát nước để tránh bị ngập úng cục bộ hoặc khô hạn. Những nơi như Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang… cần tính toán áp dụng rải vụ cho cây ăn trái nhằm thu hoạch được giá cao, giúp nông dân lãi nhiều…
Để giúp người nông dân chuyển đổi giống cây trồng, các địa phương cần phải lựa chọn loại cây trồng phù hợp để hướng dẫn nông dân chuyển đổi. Trên cơ sở kết quả các mô hình và điều kiện cụ thể của địa phương để xác định các công thức luân canh giữa lúa và các cây trồng khác đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất, đặc biệt, chỉ hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khi nắm vững được thị trường tiêu thụ.
Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có các giải pháp cụ thể để thực hiện, đó là: Phải hoàn thiện về thể chế và chính sách hỗ trợ chuyển đổi trên đất trồng lúa; hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi của các vùng chuyển đổi; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khuyến nông phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa sản xuất…
Liên quan đến việc trồng và chăm sóc cây ăn trái, theo dự báo của ngành chức năng, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, tình hình hạn mặn phức tạp; do đó chính quyền địa phương và người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động các giải pháp ứng phó, bảo vệ vườn cây ăn trái. Sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ từ rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước.
Củng cố hệ thống đê bao xung quanh vườn để ngăn nước mặn xâm nhập. Đo độ mặn trước mỗi lần lấy nước và không tưới nước có độ mặn cao hơn 1‰ cho cây; đối với một số cây ăn trái mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn hơn 0,5‰ nhằm tránh bị thiệt hại…
Theo Đảng Cộng Sản Việt Nam
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)