Chị Lê Kim Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thắng, cho biết: "Hội LHPN xã luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong thực hiện công tác Hội và phong trào thi đua. Trong đó, tập trung chỉ đạo, triển khai sâu rộng nhiều hoạt động, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh cho chị em phụ nữ được các cấp Hội quan tâm thực hiện thông qua các hình thức sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ…".
Theo chị Kim Luyến, hiện nay, toàn xã có 1.072 hội viên phụ nữ. Phần lớn chị em tham gia sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, Hội đều tiến hành rà soát số lượng hội viên, phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ, nhằm đề ra các biện pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh của từng hội viên. Đồng thời, Hội LHPN xã cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, giúp hội viên phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Mô hình đan dây nhựa, được Hội LHPN xã Đông Thắng thành lập từ năm 2017 đến nay, triển khai tại 2 ấp Thới Hiệp 1 và Thới Hiệp 2, thu hút gần 30 chị duy trì tham gia thường xuyên. Tận dụng khoảng thời gian nông nhàn, các chị em có thể kiếm thêm thu nhập, trang trải kinh tế gia đình.
Chúng tôi đến ấp Thới Hiệp 2 đúng lúc các thành viên đang khẩn trương hoàn tất đơn hàng đan thành ghế. Vừa đan dây thoăn thoắt, chị Trương Thị Cúc, ngụ tại ấp Thới Hiệp 2, vừa chia sẻ: "Sau lớp nghề đan đát, chúng tôi tham gia mô hình cho đến nay. Ngoài thời gian nội trợ, bình quân mỗi ngày, tôi đan khoảng 5 tấm thành ghế, thu nhập 60.000 đồng". Chị Trương Thị Lài kể: "Do không có thời gian nên mỗi ngày tôi đan khoảng 2 tấm thành ghế. Tuy số tiền công không nhiều nhưng cũng góp thêm thu nhập cho gia đình". Hiện nay, mô hình này giúp các thành viên có thêm thu nhập từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài mô hình đan dây nhựa, Hội vận động các hội viên tham gia nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, như: Tổ hợp tác may gia công với 16 chị tham gia, thu nhập từ 80.000-150.000 đồng/ngày; mô hình nuôi cá lóc vèo với 20 chị tham gia, thu nhập mỗi vụ từ 10-15 triệu đồng/1.000 con.
Chị em tham gia mô hình đan dây nhựa để tăng thu nhập, trang trải kinh tế gia đình.
Để khuyến khích chị em tích cực phát triển kinh tế, các cấp Hội còn là cầu nối quan trọng cho các hội viên phụ nữ tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi. Hội LHPN xã đang phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giúp 362 hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, với tổng số dư nợ trên 10,9 tỉ đồng. Đồng thời, Hội cũng vận động chị em tham gia 9 tổ tiết kiệm thi đua ái quốc, phát vay cho 200 chị trang trải kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các cấp, ngành mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp chị em hội viên học hỏi, ứng dụng tốt vào sản xuất. Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN xã Đông Thắng đã phối hợp mở 1 lớp dạy nghề trồng cây ăn trái; kết nối với Công ty công nghiệp thực phẩm Pataya Cần Thơ giới thiệu cho 15 lao động có việc làm ổn định, có xe đưa rước mỗi ngày, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
"Thông qua những chính sách ưu đãi, sự quan tâm chia sẻ, động viên kịp thời, giúp đỡ lẫn nhau, số hộ nghèo, đặc biệt số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đã giảm qua các năm. Qua đó, các cấp Hội đã phát huy vai trò là chỗ dựa tin cậy cho hội viên, luôn đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế" - chị Lê Kim Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thắng, chia sẻ.
Bài, ảnh: Hồng Vân - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)