Bắt đầu từ năm 2008, việc giáo dục cho con em ngư dân sinh sống tại các đảo Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây được Đảng, nhà nước và Quân chủng Hải quân đặc biệt quan tâm. 12 năm qua, "ánh sáng văn hóa" lan tỏa khắp nơi trên các đảo tiền tiêu, Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Lớp học đặc biệt của cô Nhung
Cô giáo Bùi Thị Nhung là người đầu tiên viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học. 12 năm qua, Trường Sa đã là nhà của cô giáo này. "Khi viết đơn tình nguyện ra đảo, bạn bè nói tôi "điên", họ không muốn tôi đến nơi gian khổ. Tôi nghĩ, các chiến sĩ Trường Sa kiên cường nơi gian khó thì tôi cũng có thể làm một chiến sĩ xung kích trên mặt trận dạy học.
Nghĩ vậy nên tôi xung phong ra Trường Sa mà không hề do dự. Sau thời gian dạy học ở Trường Sa, tôi trở lại đất liền nhưng nếu bây giờ được tiếp tục đến Trường Sa dạy học, tôi vẫn đi và đó là ước mơ của tôi" - cô giáo Nhung chia sẻ.
Từ những năm 2008-2013, nếu ai đã đặt chân đến đảo Trường Sa Lớn thì không thể không ghé thăm lớp học đặc biệt của cô giáo Nhung. Đó là lớp học "5 trong 1", tức một mình cô dạy 5 trình độ cho 9 học sinh. Trong lớp học đặc biệt ấy, khi giảng bài cho học sinh lớp 1, cô sắp xếp các em lớp khác ôn bài. Ngược lại, khi giảng bài cho học sinh lớp 5, học sinh khác "tự nghiên cứu".
"Để các em không bị lạc hậu so với các bạn trong đất liền, tôi dạy tin học cho các em qua máy vi tính và hướng dẫn các em những môn học ngoại khóa như múa, hát ngoài trời… Công việc khá vất vả nhưng thật hạnh phúc mỗi khi nhìn các em nô đùa, đọc được con chữ, biết làm toán, làm văn…" - cô Nhung tâm sự.
Trong 6 năm tình nguyện ra Trường Sa, cô giáo Nhung được ví như bảo mẫu đặc biệt của học sinh bởi vừa làm cô giáo, cô Nhung còn thay cha mẹ các em lo từng bữa ăn, giấc ngủ trưa. Các em đều gọi cô Nhung là mẹ.
Ngoài dạy kiến thức cho các em nhỏ, cô Nhung còn dạy các em tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc. Cô bộc bạch: "Sự dũng cảm và chịu đựng gian khổ của các chú bộ đội Trường Sa ảnh hưởng rất sâu sắc đến hình thành nhân cách của học sinh.
Ngoài kiến thức chuyên môn, các em được học tinh thần dũng cảm, sự gan dạ kiên cường. Có thể nói mỗi học sinh Trường Sa là một chiến sĩ "nhí". Các em học ngay từ sự gương mẫu của các chú bộ đội. Ở đây, không có sự cạnh tranh, phân biệt, chỉ có sự thi đua học tốt, dạy tốt, sống tốt, cô trò thương yêu nhau như mẹ con trong một gia đình".
Học sinh Trường Sa bên cột mốc chủ quyềnẢnh: TRỌNG THIẾT
Một lớp học ghép ở đảo Song Tử TâyẢnh: MAI THẮNG
Cô giáo Bùi Thị Nhung - nữ chiến sĩ xung kích đầu tiên đến Trường Sa Ảnh: MAI THẮNG
Niềm vui cống hiến
Sau cô giáo Bùi Thị Nhung, từ năm 2013 đến nay, việc dạy học ở các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn… được sắp xếp lại và do các thầy giáo đảm nhiệm. Họ là những chiến sĩ hải quân, thầm lặng cống hiến tuổi xanh cho Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
Thầy Bành Hữu Tình, năm nay 36 tuổi, 3 năm qua gắn bó với Trường Tiểu học đảo Trường Sa Lớn. Thầy Tình nhớ như in ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, các em nhỏ tíu tít ra đón. Thầy choàng tay ôm những đứa trẻ chưa biết tên. "Kỷ niệm ấy tôi không bao giờ quên. Được dạy học ở Trường Sa không chỉ là niềm vinh hạnh mà còn là sự cống hiến sức trẻ của mình cho Tổ quốc " - thầy Tình bộc bạch.
Cũng như cô giáo Nhung, thầy Tình đảm nhiệm lớp học đặc biệt "4 trong 1". Để thuận lợi, lớp học được bố trí "xoay vòng". Bốn tấm bảng được treo ở bốn bức tường, học sinh học lớp nào thì ngồi hướng về bảng ấy. Trong khi giảng bài cho lớp 3 thì học sinh lớp 1 tự ôn, hoặc làm bài tập. Ra chơi cùng một giờ, các em tham gia tất cả trò chơi chung. "Dạy học nhưng tôi cũng làm "bảo mẫu" luôn.
Có em khóc đòi về với ba mẹ thì mình dỗ dành, có em cãi nhau mình phải phân giải. Có khi đang học, em nào muốn đi vệ sinh, mình cũng dẫn các em đi. Tất cả việc đó lúc đầu thấy hơi ngại nhưng sau quen và trở nên bình thường. Ngày nào không thấy các em là ngày đó cảm giác trống trải" - thầy Tình thổ lộ.
28 tuổi đời, thầy giáo Lê Xuân Quyết có 7 năm gieo chữ ở đảo Song Tử Tây. Bảy năm biết bao thay đổi song có một thứ không bao giờ mờ phai trong tâm khảm người giáo viên trẻ này là tình yêu vô bờ với biển đảo quê hương, với trẻ thơ nơi đầu sóng ngọn gió. Thầy Quyết giãi bày: "Các em vừa là học trò, vừa là bạn, vừa là cháu của mình. Càng gắn bó với các em, tôi càng thấy yêu Tổ quốc, yêu đời, yêu nghề dạy học".
Nói về kỷ niệm gắn bó đời mình với Trường Sa, thầy giáo Lê Xuân Quyết cho biết đó là đêm đầu tiên đến đảo Song Tử Tây, vào tháng 3-2013. Thầy xúc động nhớ lại: "Đêm đầu tiên tôi không sao chợp mắt. Một phần vì nhớ đất liền, một phần cảm giác quá đỗi thiêng liêng. Tôi mường tượng ra lớp học chỉ có vài em học sinh thơ ngây, tiếng trẻ ê a đọc chữ bên bờ sóng.
Phải mất cả tuần sau tôi mới bắt nhịp được cuộc sống ở đảo. Thời tiết khắc nghiệt, nỗi nhớ đất liền càng da diết nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi; cứ gian khó tôi luyện và ánh mắt con trẻ tiếp thêm nghị lực cho mình".
Cùng dạy học với thầy Quyết ở đảo Song Tử Tây còn có thầy Lê Văn Mạnh. Cũng là thầy giáo trẻ xung phong đi đảo gieo chữ, thầy Mạnh gác tất cả chuyện riêng tư, gia đình tập trung cho dạy học. "Với tôi, được dạy học ở Trường Sa không chỉ là vinh dự mà còn là khát vọng.
Tôi khát vọng dạy học ngoài đảo vì muốn cùng các em học sinh ở đảo học con chữ, để khẳng định rằng ở tận biển đảo xa xôi của Tổ quốc, học sinh Trường Sa vẫn được học tập, thụ hưởng nền giáo dục như ở đất liền. Điều đó với tôi là tất cả. Còn khó khăn, gian khổ dần sẽ quen, sẽ vượt qua" - thầy Mạnh bày tỏ.
Nếu không có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, không một đời tâm huyết gieo chữ cho thế hệ tương lai, chắc chắn những thầy, cô giáo ở Trường Sa không thể làm được điều diệu kỳ đến thế!
Thắt chặt đoàn kết quân dân
Song song với học chữ, học sinh Trường Sa được bộ đội hải quân ở các đảo huấn luyện thể chất, như tập thể dục nâng cao sức khỏe, tổ chức các trò chơi vận động; tham gia một số hoạt động quân sự như chào cờ Tổ quốc trước cột mốc chủ quyền, đón khách từ đất liền ra thăm, hát múa cùng bộ đội ở đảo...
Ngoài ra, học sinh và ngư dân cũng thường xuyên được các bác sĩ ở đảo chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám định kỳ và đột xuất. Việc này không những bảo đảm sức khỏe cho bà con ngư dân mà còn thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết quân dân, cùng nhau chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền và xây dựng đảo ngày càng mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, thắt chặt tình quân dân như cá với nước.
Ông Hoàng Phước Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Trường Sa, khẳng định: "Bộ đội, ngư dân, học sinh đang sinh sống ở các đảo như một khối đoàn kết thống nhất, rất nghĩa tình. Bộ đội có niềm vui, ngư dân cùng hưởng ứng; ngư dân, học sinh đau ốm, bộ đội cứu chữa nhiệt tình. Với học sinh Trường Sa, bộ đội yêu quý như những chồi non hiếm hoi nơi đầu sóng ngọn gió".
Tuấn Cường - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)