Anh Kia Ri chia sẻ, gia đình có gần 1ha đất. Trước khi trồng bưởi, anh trồng dưa hấu, lúa nhưng đây là những cây ngắn ngày, chăm sóc khá cực, đồng lời bấp bênh. Do đó, anh thường xuyên lên Internet tham khảo những mô hình trồng cây ăn trái để tìm hướng đi thích hợp trên mảnh đất mình đang canh tác.
Vườn bưởi da xanh được trồng theo phương pháp hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Văn Kia Ri
Ngoài ra, anh Kia Ri còn được Hội Nông dân TP.Tân An, xã Nhơn Thạnh Trung tổ chức nhiều chuyến tham quan các mô hình làm kinh tế hiệu quả.Sau thời gian nghiên cứu, anh quyết định chọn giống bưởi da xanh để trồng.
Vườn bưởi trước đây vốn là ruộng lúa, anh phải mất rất nhiều công sức để lên liếp, xẻ mương nhằm lấy nguồn nước sông tự nhiên cung cấp nước tưới cũng như xả phèn.
Theo đó, vườn bưởi nhà anh có liếp rộng khoảng 6m, mương nước dọc theo liếp khoảng 2m. Trên mỗi liếp, anh trồng bưởi hàng cách hàng khoảng 4m để cây lấy tàn rộng, hấp thu đầy đủ ánh sáng tự nhiên nhằm tránh sâu, bệnh trên thân cây cũng như lá.
Đặc biệt, vườn bưởi da xanh được anh áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học. Trong quá trình canh tác, anh chọn phân chuồng, phân hữu cơ các loại để bón cho cây. Đối với các loại nấm bệnh hay sâu, rầy trên cây, anh chọn thuốc sinh học để phun rửa.
Nói về lý do không sử dụng phân hóa học, loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật trong vườn bưởi, anh Kia Ri giải thích: “Đa số người dân vẫn còn lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao. Ðể tìm hướng đi mới trong canh tác cây bưởi da xanh, tôi chọn trồng theo hướng hữu cơ sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học, vừa bảo đảm sức khỏe người trồng, người dùng, vừa bảo vệ đất đai và môi trường sống”.
Thông thường, bưởi da xanh sau 18 tháng trồng thì bắt đầu cho những lứa trái đầu tiên.Từ khi ra hoa, kết trái và chín mất 7-8 tháng. Đây là khoảng thời gian khá dài, vì vậy, anh Kia Ri chịu khó trồng xen bưởi với ổi giống Nữ hoàng (theo hướng hữu cơ).
Bởi, ổi Nữ hoàng là loại cây nhanh lấy trái sau trồng trọt. Giải thích vấn đề này, anh Kia Ri cho rằng: “Bưởi lâu cho trái còn ổi thì nhanh, đây là cách “lấy ngắn nuôi dài”. Nhờ vậy, vườn ổi xen canh cho tôi thu nhập hàng ngày để nuôi cây bưởi. Hiện nay, vườn bưởi được 3 năm trồng, trái bắt đầu sai, tôi sẽ bỏ ổi để cành bưởi xòe tán rộng”.
Hiện nay, với diện tích gần 1ha, anh Kia Ri trồng gần 400 gốc bưởi da xanh. Với phương pháp trồng theo hướng hữu cơ, bưởi ít bị sâu, bệnh. Đặc biệt, trái bưởi có chất lượng khá vượt trội, vỏ mỏng, ruột hồng, múi mọng nước và vị ngọt thanh tao.
Ðể đạt được điều này, bí quyết chính là nằm ở khâu canh tác. Cụ thể, bình quân mỗi năm, anh Kia Ri bón phân cho bưởi 3-4 đợt và tuyệt đối không để cây mất nước. Ngoài ra, khâu chọn trái cũng khá quan trọng. Khi bưởi ra hoa, kết trái, anh phải chịu khó chọn những trái đầy đặn, tròn và loại bỏ những trái méo mó, da sần sùi.
Do những đợt trái đầu tiên, vườn bưởi trái chưa rộ nên hầu hết đều được anh bán tại nhà cho người thân quen hoặc bán tại các chợ có đông công nhân. Bưởi loại 1 (trái tròn to, không méo, nặng trên 1,3kg), anh bán với giá 60.000 đồng/kg; còn bưởi loại 2 (trái nhỏ, da không đều màu, hoặc méo) thì bán với giá rẻ hơn.
Hiện nay, người thân sau khi dùng bưởi do anh Kia Ri trồng đều đánh giá chất lượng tốt. Anh Kia Ri cho biết, đang nghiên cứu, áp dụng cách bón phân sao cho chất lượng trái nâng lên, xây dựng thương hiệu cho vườn bưởi và tiến tới xúc tiến thương mại để có đầu ra theo hướng liên kết, tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, bền vững.
|
Theo link - (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)