Long An tăng cường quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt

Thứ tư, 27 Tháng 11 2019 14:37 (GMT+7)
UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và UBND huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường không chủ trương nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.
 
Tăng cường quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt
 
Hiện nay, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, người dân tự ý đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong vùng nước ngọt, đất trồng lúa với diện tích là 48,6ha.
 
Một số hộ dân tự ý khoan giếng lấy nước mặn (tại Mộc Hóa phát hiện khoan 21 giếng), dùng muối để nâng độ mặn cho ao nuôi tôm, điều này sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh.
 
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp và người dân chưa có kinh nghiệm nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro thiệt hại lớn cho người dân.
 
Để  bảo đảm phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và không phá vỡ quy luật tự nhiên, UBND tỉnh có công văn số 6483/UBND-KTTC chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã không chủ trương nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.
 
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, khuyến cáo để người dân nắm được những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt; nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi các đối tượng khác có giá trị kinh tế phù hợp với cây trồng, vật nuôi trong vùng nước ngọt, để người dân học tập và ứng dụng vào sản xuất.
 
Đồng thời, sở phối hợp các ngành, đơn vị liên quan thực hiện đề tài hoặc thí điểm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường thuần nước ngọt để có báo cáo đánh giá toàn diện về tác động môi trường, khả năng thích ứng của loài, so sánh với các loại hình nuôi tôm khác, hiệu quả kinh tế,… Trên cơ sở đó, sở tham mưu cho UBND tỉnh định hướng việc quản lý và nuôi tôm thẻ chân trắng thuần ngọt trong thời gian tới.
 
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý việc khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng không theo quy định pháp luật; việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng; đánh giá tác động môi trường của việc khoan giếng lấy nước mặn và xả thải nước có độ mặn 4 - 6‰ đối với môi trường.
 
UBND các huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục mở rộng đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn, những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt; việc sử dụng nước mặn từ giếng khoan, bổ sung thêm muối để nuôi tôm làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng nước ngọt.
 
Tăng cường kiểm tra, quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương; xử lý nghiêm những vi phạm về nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, nhất là các vi phạm về thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng, khoan giếng lấy nước mặn, bảo vệ môi trường, sử dụng chất cấm, chất không có trong danh mục được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam; ngăn chặn kịp thời những tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
 
Đối với những địa phương đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, yêu cầu người nuôi thực hiện nghiêm các quy định về quản lý dịch bệnh, cam kết bảo vệ môi trường, vận động không thả nuôi trở lại, không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới.
 
Yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương, báo cáo định kỳ hàng tháng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.
Thanh Nhã - (baolongan.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống