Đau đầu với "bệnh than"

Thứ bảy, 14 Tháng 12 2019 16:07 (GMT+7)
Cuộc sống mỗi người mỗi cảnh, quan trọng là biết cách dung hòa, sắp xếp sao cho êm đẹp. Có những chị dù rất bận rộn nhưng lúc nào nhìn cũng chỉn chu, tươi rói, nỗ lực làm việc hiệu quả, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người. Ngược lại, không ít chị mắc bệnh… than thở, kể lể, ảnh hưởng không tốt tinh thần của bản thân, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội.
Anh Phong Huy, 41 tuổi, buôn bán ở quận Cái Răng, kể: "Vợ tôi làm kế toán, thường nhận việc làm thêm ban đêm. Biết vợ vất vả, nên tôi phụ giúp chuyện chợ búa, nấu nướng, đưa rước con đi học. Vậy mà những lúc công ty có chuyện không vui là về nhà cha con tôi lãnh đủ, vợ than từ chuyện nhỏ đến lớn, xách mé ở nhà mới sướng, chứ đi làm lấy đồng lương người ta đâu có dễ, rồi chuyện giá cả tăng, xe dạo này chạy hao xăng mà chưa có tiền đổi xe mới. Lắm khi lên bàn ăn, vợ nói hoài tôi nuốt không vô". Những lúc đi chợ hay có hàng giảm giá trên mạng, con gái rủ mua thì bị mẹ gắt: "Lo ăn đã mệt tiền đâu chưng diện" trong khi kinh tế gia đình đâu tới nỗi. Mỗi lần về thăm quê, vợ anh cũng hay than thở hơi quá với chị em bạn dâu khiến anh không ít lần mất mặt.
Nhiều chị em dành thời gian cho bản thân, mua sắm, du lịch… để giải tỏa stress, cân bằng cuộc sống. Trong ảnh: Chị em phụ nữ  tham quan một vườn hoa ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Nhiều chị em dành thời gian cho bản thân, mua sắm, du lịch… để giải tỏa stress, cân bằng cuộc sống. Trong ảnh: Chị em phụ nữ  tham quan một vườn hoa ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
 
Mấy năm nay, bạn bè đặt biệt danh cho chị K.N., 34 tuổi, làm việc ở quận Ninh Kiều, là "sầu nữ" bởi lúc nào nhìn chị cũng ủ rũ. Sáng sớm, trong khi mọi người rôm rả ăn sáng, cà phê, bàn tán đề tài, kế hoạch trong ngày thì chị cứ thở dài. Không hỏi thì bị trách không quan tâm bạn bè, mà lỡ khơi đúng mạch là chị cằn nhằn chồng con, gia đình, chuyện chị cực khổ ra sao, việc cơ quan nhiều, gây khó khăn, ảnh hưởng sức khỏe… nghe mà choáng váng. Mỗi khi triển khai kế hoạch mới, sếp giao việc, chị thường đưa lý do để tìm cách từ chối việc nặng, đi xa, nên đồng nghiệp cũng ít  hợp tác. Kinh tế khá giả nhưng chị N. không thích mua sắm, đầu tư cho bản thân, quần áo thì quá cũ mới mua mới, chăm sóc da, trang điểm lại càng không, nên mặt mày kém sắc. Lắm khi sếp hay bạn bè muốn rủ chị đi tiếp đối tác, tiệc tùng cũng… ngại.
 
Về phía gia đình, chồng chị N. cũng bó tay, không biết làm sao trị bệnh than của vợ. Hai người tính tình trái ngược nhau, chị N. hay than buồn, chán còn chồng thì hướng ngoại nên cô con gái học lớp 7 chỉ khoái theo cha bởi "ở nhà với mẹ rất mệt óc, toàn nghe than thở". Năm rồi, nhân kỷ niệm 14 năm ngày cưới, chồng chị định gây bất ngờ bằng quà tặng là chiếc xe tay ga đời mới, để mấy mẹ con tiện đi lại. Thay vì vui vẻ đón nhận, chị N. mắng chồng tiêu xài hoang phí rồi ca cẩm thời buổi kinh tế thị trường kiếm tiền khó khăn, không lo tích cóp mà bày đặt chơi sang, háo danh… Chồng chị giận quá, bán luôn chiếc xe cho bạn.
 
Nhiều phụ nữ coi kể lể, cằn nhằn là chuyện bình thường, nói cho khuây khỏa rồi thôi, nhưng thực tế gây không ít phiền hà cho người nghe, nếu việc này diễn ra thường xuyên. Có những ông chồng nghe than chịu không thấu, phản ứng lại bằng cách… trốn, viện cớ ra ngoài, đợi vợ đi làm hoặc tới giờ ngủ mới về. Nhưng như vậy không phải biện pháp hay vì vợ sẽ cảm thấy tổn thương, tủi thân, lại suy diễn chồng không thương, thiếu trách nhiệm. Điều này khiến hai người dễ xa nhau hoặc vợ sẽ tìm cách than, kể lể nhiều hơn. Vì vậy, nếu đôi lúc vợ có than, các ông chồng cũng đừng cáu gắt, hãy chân thành lắng nghe, an ủi, động viên, rồi lựa lời góp ý, giảm bớt liều lượng…than. Chỉ cần có sự quan tâm, dù nhỏ, cũng khiến bạn đời mãn nguyện.
 
Cô Hồ Thị Tuyết Phương, 59 tuổi, ở phường Tân An, quận Ninh Kiều, tâm sự: "Hồi xưa vợ chồng cô khổ lắm, nhưng không khí trong nhà lúc nào cũng đầm ấm. Cô buôn bán, chồng đi làm thuê ở xưởng cưa, tranh thủ giờ trưa chạy xe khách, chở rau cải mướn. Cuộc sống quá thiếu thốn, nhiều lúc cô tủi thân khóc thầm nhưng không dám than, sợ chồng con buồn. Mà than thở không giải quyết được gì nên mình phải chấp nhận để vượt qua. Chiều cô lo cơm nước để sẵn, trễ cỡ nào cũng đợi chồng về ăn chung. Mỗi khi gặp nhau, cô nói toàn chuyện vui nên các thành viên thích quây quần ở nhà".
 
Chị Thu Bình, 43 tuổi, làm trong ngành truyền thông ở Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm trong việc tự… cai bệnh than của mình. Chị Bình kể: "Do nhà cửa đơn chiếc, thêm việc nhà, con cái nên tôi thường xuyên quá tải. Mỗi lần chị em bạn gặp nhau là tôi kể lể. Ban đầu mọi người còn chia sẻ, sau đó tôi nhận thấy hình như chị em có vẻ ngại khi mời đi cà phê, ăn uống. Tìm hiểu, tôi mới biết là mọi người cũng mệt mỏi, nên không thích nghe thêm áp lực từ người khác. Tôi bắt đầu thay đổi, gặp bạn chỉ nói chuyện cần thiết về nghiệp vụ hoặc giới thiệu quán ăn ngon, nơi bán quần áo đẹp, trêu chọc nhau cười thư giãn. Tôi cũng chú ý tới bản thân hơn, đầu tư trang phục tinh tươm cho tới tinh thần thoải mái, vui vẻ. Còn chuyện cá nhân, thì tự giải quyết".
 
Cuộc sống ai cũng có khó khăn riêng, than thở, kể lể, trách móc… là những cung bậc cảm xúc đôi lúc cần thiết, nhưng phải có giới hạn. Có thể thể hiện điều này với người thân, bạn bè để tìm sự cảm thông, thấu hiểu, cân bằng cảm xúc trong một thời điểm nào đó. Nhưng không nên để việc than thở trở thành thói quen bởi khiến người trong cuộc không cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình, dẫn đến cảm giác lo âu, trầm cảm, ảnh hưởng không hay đến không khí gia đình, môi trường làm việc.
 
   Để dung hòa, chị em hãy tìm cách giải tỏa áp lực bằng việc dành thời gian cho bản thân, tìm niềm vui như xem phim, làm đẹp, mua sắm, tập thể dục thư giãn để có cách suy nghĩ tích cực, mới mẻ, tiếp thêm sinh lực làm việc, chăm lo tổ ấm.
 
Bài, ảnh: KIỀU CHINH - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Đời Sống