Đón Tết ở nơi xa
Hiện nay, việc đón Tết "ở một nơi xa" không còn lạ lẫm, thậm chí còn tạo nên một xu hướng mới mỗi dịp Tết đến, Xuân về
Từ vài năm nay, cứ đến dịp nghỉ Tết, anh Trung Tuấn (Hà Nội) lại đưa gia đình tạm xa Thủ đô, để thay đổi không khí. "Gia đình tôi thường dành ngày mùng 1 để đi chúc Tết 2 bên nội ngoại và tiếp khách, sau đó cả nhà sẽ lên đường đi chơi xa. Như vậy mọi người vừa được đón Tết theo phong tục truyền thống, vừa được trải nghiệm những điều thú vị ở những vùng đất mới. Đó cũng là dịp để cả gia đình có cơ hội gần nhau hơn”, anh Tuấn chia sẻ.
Tết Nguyên đán 2019, chị Yến Anh (Hà Tĩnh) đã dành toàn bộ ngày lễ để cùng bạn bè đi tận hưởng kì nghỉ ở Nhật. Chị cho biết: “Vài năm trước, năm nào mình cũng mong chờ đến ngày nghỉ để về quê ăn Tết với bố mẹ, cùng mẹ chuẩn bị chu đáo mâm cơm cúng tổ tiên, đón Giao thừa . Nhưng năm nay, mình xin phép được đi du xuân cùng bạn bè ở nước ngoài để vừa trải nghiệm, vừa được nghỉ ngơi, thư giãn. Mình háo hức mong tận hưởng thời khắc giao thừa và trải nghiệm không khí đón Tết ở một đất nước khác, ngắm nhìn những con phố sầm uất hoa lệ, những trung tâm thương mại rực rỡ ánh đèn tại xứ lạ.... Cả năm mình đã dành quá nhiều thời gian cho công việc và các mối quan hệ nên mình muốn dịp Tết sẽ đi du lịch để thư giãn, cũng là thay đổi không khí để lấy tinh thần làm việc trong năm tới.
Không chỉ anh Tuấn, chị Yến Anh mà nhiều gia đình cũng đồng quan điểm đó, họ cảm thấy mệt mỏi với việc ăn uống, bếp núc, khách khứa suốt những ngày vừa mệt mỏi, vừa lãng phí nên cũng lên kế hoạch để "trốn" Tết đi chơi xa.
Hiện nay, việc đón Tết "ở một nơi xa" không còn lạ lẫm, thậm chí còn tạo nên một xu hướng mới mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Lý giải về điều này, nhiều ý kiến cho rằng kì nghỉ Tết là thời điểm lý tưởng nhất để "xả hơi" và nạp năng lượng sau một năm bộn bề công việc. Với những kỳ nghỉ gia đình, đó còn là cơ hội để gần nhau hơn.
Du lịch trốn Tết
Trước trào lưu mới, có những luồng ý kiến lo lắng “du lịch trốn Tết” sẽ dần làm phạt nhạt ý nghĩa thiêng liêng sâu xa, những giá trị tinh thần của ngày Tết. Nếu trào lưu này tiếp tục nở rộ thì những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt sẽ dần mất đi bởi họ quan niệm Tết là để sum họp, là để quay về với ông bà, tổ tiên, nguồn cội.
Tết cổ truyền là dịp nhiều người mong mỏi được trở về sum họp bên gia đình nhất.
Chị Phương Linh (Hải Phòng) chia sẻ: “Cả năm 365 ngày mình đã có nhiều dịp nghỉ lễ để đi du lịch cùng gia đình và bạn bè rồi đâu cần đợi đến Tết mới đi du lịch. Mỗi người có một quan niệm khác nhau về việc đi hay ở nhưng với em, Tết là ngày đoàn viên, em sẽ trở về quay quần bên gia đình họ hàng chứ không đi du lịch”.
Đối với mỗi người con xa quê, Tết cổ truyền là dịp họ mong mỏi được trở về sum họp bên gia đình nhất. Điều này đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người Việt từ lâu.
Đồng quan điểm với chị Linh, anh Đình Thuấn (Đồng Nai) cho biết: “Tôi quê ở Thái Bình nhưng vào Nam lập nghiệp. Những người đi làm ăn xa như chúng tôi chỉ mong đến Tết để được về quê thăm bố mẹ, được về lại ngôi nhà mình sinh ra và lớn lên, nhìn lại tuổi thơ của mình đã đi qua với bao kỷ niệm đầy ắp yêu thương, được khấn vái, được thắp nén hương thơm trước ngôi mộ tổ tiên và của những người thân đã khuất, được gặp bạn bè thời thơ ấu, được chúc phúc nhau… Bởi vậy nếu đi du lịch vào dịp Tết tôi thấy thật uổng phí”.
Tết không chỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm dài vật lộn với gánh nặng mưu sinh mà còn là giây phút tìm về nơi bình yên và quây quần bên cạnh người thân. Người xa quê vẫn thường nhớ tới hình ảnh gia đình cùng nhau hì hục gói bánh chưng, bánh tét, nhớ những đêm ngồi bên bếp lửa trông nồi bánh khổng lồ cùng những tiếng nói cười tíu tít của lũ trẻ.
Việc sum họp dịp lễ Tết hay lựa chọn du lịch xả hơi sau một năm bận rộn có lẽ tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người. Nhịp sống hiện đại cho con người nhiều thứ từ cuộc sống đủ đầy đến những chuyến du lịch xa xôi. Nhưng nó cũng lấy đi không thứ vô hình khác. Một trong những thứ bị đánh cắp ấy chính là cơ hội bên cạnh gia đình.
Thu Chang – Khánh Huyền - (giadinhvietnam.com)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)