Nếu như “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì mứt Tết chẳng khác nào món khai vị cho mọi chuyến chúc tụng trong dịp đầu năm mới.
Mứt Tết – Món quà cổ truyền dịp Tết Nguyên
Mỗi loại mứt có một hương vị riêng biệt với nhau nhưng lại luôn đem đến cho mỗi người thưởng thức và cảm giác thư thái vị ngọt hay cay nồng của mứt khi hòa quyện với tách trà lại đưa ta về với những kỉ niệm, về với những ngày Tết xưa cũ.
Mứt Tết là thức quà không thể thiếu mỗi khi đến Tết (Ảnh minh họa)
Không những thế, đằng sau tất cả hương vị ấy là những câu chuyện, những mảnh ghép ý nghĩa đầy thú vị mà không phải ai trong chúng ta cũng đều biết và hiểu về nó.
Mứt dừa: Hạnh phúc sum vầy
Mỗi độ Xuân về, gia đình quây quần hàn huyên bên tách trà nóng, cùng nhâm nhi những sợi mứt dừa dai dai, vui miệng, nhiều màu sắc, tất cả đã tạo nên không khí đoàn viên. Mứt dừa từ lâu trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình trong ngày Tết, là món cổ truyền không thể thiếu trong khay mứt ngày Tết.
Với cách chế biến không quá phức tạp, món mứt dừa ngày nay được sản xuất ngày càng phong phú và đa dạng hơn về màu sắc cũng như hương vị, tạo nên sự bắt mắt và thú vị cho người thưởng thức.
Mứt sen: Trọn vẹn yêu thương bên gia đình
Mứt hạt sen mang ý nghĩa cầu chúc cho một năm mới sum họp, cháu con long phụng sum vầy. Trong cuộc sống hiện đại tất bật ngày nay đâu đó vẫn có những người con xa quê không kịp trở về. Khi đó, mong ước của gia đình chỉ còn gói gọn trong hình ảnh của mứt hạt sen mà thôi.
Mứt hạt sen vị thanh mát, bùi bùi. Ngoài ý nghĩa của mình, mứt hạt sen còn có công dụng thực tế như là một bài thuốc ngừa tiêu chảy cho những ngày Tết ăn uống thêm tự tin.
Mứt quất: May mắn và thịnh vượng
Ra trái và chín vào đúng dịp Tết nguyên đán, quất như là “trái ngọt” đầu năm của mọi nhà với mong muốn một năm bội thu. Cũng như quất cây, ý nghĩa của mứt quất tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng trong năm mới.
Mứt quất có vị vừa ngòn ngọt của đường, vừa chua chua của múi quất, giòn giòn thơm thơm của vỏ quất. Những mùi vị này tạo cho người dùng cảm giác thanh mát lẫn nồng ấm rất thích hợp để dùng vào dịp Tết, khi tiết trời se se lạnh.
Mứt quất có công dụng kích thích tiêu hóa, giúp người dùng bớt đi cảm giác ngán ăn do lượng thức ăn tấp nập ngày Tết. Ngoài ra, mứt quất cũng chữa ho rất hiệu quả.
Mứt gừng: Cuộc sống đầm ấm và hạnh phúc
Thêm một loại mứt không thể nào thiếu trong khay mứt ngày Tết của mỗi gia đình. Mứt gừng mang ý nghĩa cho một cuộc sống đầm ấm và hạnh phúc. Nó được người sử dụng ưa thích bởi hương vị thơm ngon đặc trưng. Và còn một điều hấp dẫn người dùng nữa, đó chính là vị cay cay nồng ấm của gừng. Kết hợp cùng một ít đường bên ngoài mứt cùng vị nồng ấy, nó tạo ra được những hương vị vô cùng thơm ngon và khó lòng nào quên được khi đã sử dụng.
Mứt bí: Sức khỏe và sự phát triển
Bí đao có lẽ chẳng còn xa lạ với chúng ta. Ta thấy bí đao ở nhân bánh như bánh Trung thu, bánh pía thơm ngon và cả Mứt Tết cổ truyền. Bí đao có tính mát, nhiệt lượng thấp, nhiều khoáng chất, là thực phẩm tốt cho da tóc, người muốn giảm cân. Với những khoáng chất bổ dưỡng có trong bí đao khiến mứt bí trở thành biểu tượng cho sự phát triển, giàu dinh dưỡng.
Hạt dưa: May mắn, phát lộc
Mỗi khi ta nghe thấy tiếng ai đó cắn nhẹ một hạt dưa, tiếng lách tách lại khiến ta rùng mình vì ôi sao quen thế, phải chăng Tết vẫn vậy, vẫn là tiếng hạt dưa tí tách gần gũi đến lạ kì. Hạt dưa luôn là thức quà nằm trong khay mứt Tết cổ truyền với màu đỏ đặc trưng thể hiện mong muốn may mắn và tài lộc sẽ đến của gia chủ.
Hoàng Ly - (giadinhvietnam.com)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)