Xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau có hơn 150 hộ trồng dưa hấu với diện tích gần 95 ha, đây được xem là thủ phủ dưa hấu của tỉnh Cà Mau.
Ông Thái Văn Năm chọn dưa đạt chuẩn để thu hoạch
Vào thời điểm này, các hộ trồng dưa trên địa bàn đang tất bật thu hoạch để cung ứng ra thị trường dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Theo đó, để kịp giao cho thương lái, các hộ trồng dưa phải thức từ rất sớm để chọn, cắt những trái dưa đạt chuẩn và cho vào bao. Khi trời vừa rạng sáng, các thương lái đã đến tận ruộng để vận chuyển dưa vào nhà để thu mua.
Ông Năm chọn dưa để thu hoạch bán Tết
Theo lời nhiều hộ dân có thâm niên, nghề trồng dưa hấu đã gắn liền với cuộc sống của người dân xã Lý Văn Lâm. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên dưa hấu phát triển tốt, cho năng suất cao, trái to và ngọt.
Ruộng dưa hấu của gia đình ông Năm
Ông Thái Văn Năm (56 tuổi; ngụ ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm), cho biết gia đình có khoảng 0,5 ha trồng dưa hấu An Tiêm (dưa hấu tròn chưng Tết) theo hướng VietGAP. Năm nay, nhờ đạt năng suất cao và giá ổn định nên ông thu lãi gần 50 triệu đồng từ việc bán dưa hấu.
Những trái dưa hấu khủng chưng Tết
Hiện, dưa hấu ViẹtGAP được thương lái thu mua tại ruộng với giá 8.500 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với trước. Riêng, dưa hấu An Tiêm chưng Tết người dân bán với giá bán từ 140.000 - 250.000 đồng/cặp (tùy loại). Đây là mức giá đảm bảo người trồng dưa ở Lý Văn Lâm thu lãi cao.
Ông Năm phấn khởi vì thu hoạch được nhiều dưa hấu khủng
Chung niềm vui với ông Năm là hộ anh Trần Hoài Phương (ngụ xã Lý Văn Lâm). Anh Phương chia sẻ: "Tôi và bạn nghề trồng dưa hấu rất vui vì dưa hấu trúng mùa được giá ổn định. Với 1 ha dưa hấu Tết, tôi thu lãi gần 100 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Qua đó, có thêm khoản tiền để lo cho con tiếp tục ăn học và đón Tết cổ truyền của dân tộc được đầy đủ và sung túc hơn".
Dưa hấu được thương lái cho vô bao vận chuyển vô nhà để cân
Những trái dưa hấu được chuyền tay cẩn thận
Trồng dưa hấu vốn là một công việc vất vả vì người gắn bó với nghề luôn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thu hoạch dưa hấu đúng dịp Tết, vào khoảng tháng 10 (âm lịch), người dân sẽ ươm hạt và xuống giống. Khoảng 20 ngày đầu, dưa hấu cần nhiều nước nên người dân tưới nước từ 3 – 4 lần/ngày để dây dưa không bị héo.
Ông Năm cùng thương lái kiểm tra dưa hấu trước khi cân
Sau khi dưa bắt đất và phát triển tốt chỉ cần tưới 2 lần/ ngày. Lúc này, những công việc như: vô đất, bón phân, bắt sâu, làm trái… khiến người trồng phải tốn nhiều thời gian chăm sóc. Trước khi thu hoạch dưa khoảng 7 ngày, các hộ trồng dưa thường cắt nước để dưa mau chín, có màu đỏ và ngọt.
Ông Năm cùng thương lái tất bật phân loại dưa
Ông Mạc Ngọc Truyền, Chủ tịch Hội nông dân xã Lý Văn Lâm, cho biết nghề trồng dưa hấu đã giải quyết việc làm cho nhiều hộ nông nhàn ở địa phương. Đồng thời, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Dưa hấu được vận chuyển bằng xe cơ giới
"Chúng tôi đã phối hợp cùng các ngành liên quan mở các lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật trồng dưa cho người dân; thông tin đến hộ trồng những giống dưa được thị trường ưa chuộng để đảm bảo đầu ra. Đồng thời, làm cầu nối giữa các cơ sở thu mua có uy tín với người dân để đầu ra được ổn định", ông Truyền nói.
Vân Du - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)