Cần Thơ là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa vào sử dụng dự án đốt rác phát điện. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố tham quan mô hình của Nhà máy Xử lý rác phát điện Cần Thơ. Ảnh: T. TRINH
* Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Là người tích cực hưởng ứng “sống xanh”, gần một năm nay, mỗi khi đi làm hay ra ngoài cà phê cùng bạn bè, chị Bùi Thị Thu Thảo, ở phường An Cư, quận Ninh Kiều đều mang theo vật dụng cá nhân để đựng thức ăn, thức uống thay cho ly nhựa, hộp xốp hay bọc nylon. “Không cần là những việc làm to tát hay hô hào khẩu hiệu, mỗi người chúng ta chỉ cần có ý thức hơn trong cuộc sống hằng ngày đã giúp cho môi trường sống thêm xanh”- chị Thảo chia sẻ.
Từ khi hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ giảm 1.000 đồng cho khách hàng nếu không dùng bọc nylon, cô Nguyễn Thị Kim Tuyến ở Khu dân cư 91B, quận Ninh Kiều luôn mang theo bên mình chiếc túi vải khi đi mua sắm. Cô Tuyến nói: “Sau một thời gian sử dụng, cô nhận thấy túi vải rất tiện dụng, sử dụng lâu dài; vừa được giảm tiền mà ở nhà cũng giảm một lượng bọc nylon. Dần dà, như thói quen, dù đi chợ cô cũng đem theo túi vải để đựng đồ”.
Ý thức được vai trò của mình trong việc định hướng tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc, lan tỏa thói quen mua sắm xanh tích cực trong cộng đồng. Điển hình là các nhà bán lẻ lớn: VinMart, Co.opmart, LOTTE Mart… cho đến những bạn trẻ tiên phong khởi nghiệp với ý tưởng mới mẻ, gần gũi với thiên nhiên, môi trường.
Gần đây, các bạn trẻ chia sẻ với nhau về Tiệm trà hoa trái cây ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều. Cần Thơ không hiếm quán nước đẹp, lạ nhưng điểm đặc biệt, đây là tiệm đầu tiên sử dụng quai xách ly nước bằng lục bình thay thế bọc nylon. Thức uống được đựng trong bộ ly có thân và nắp bình làm từ chất liệu có thể tái chế, ống hút trúc/gạo…
Ngoài ra, khách hàng mua bằng bình nước cá nhân sẽ được giảm trực tiếp 4.000 đồng và giảm 1.000 đồng khi đổi quai đeo lục bình trong lần mua sau. Anh Viên Tuấn Thanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Cần Thơ, cho biết: Chuỗi Tiệm trà hoa trái cây là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm bạn trẻ ĐBSCL, truyền tải thông điệp cùng chung tay bảo vệ môi trường. Việc giảm giá đồ uống như trên đôi khi không quan trọng với khách hàng, nhưng trọng điểm là họ sẽ có ý thức hơn và không vứt rác ra môi trường!
Các em học sinh tiểu học tìm hiểu về phân loại rác thải trong buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: T. TRINH
Năm 2019 đánh dấu sự bùng nổ những chiến dịch, thử thách chung tay bảo vệ môi trường và lần đầu tiên tại TP Cần Thơ có chương trình “Đổi rác (pin, chai nhựa) lấy quà (túi vải, ống hút tre/gạo, bình thủy tinh, bàn chải tre)” do Chi cục Bảo vệ Môi trường thành phố phối hợp với Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức vào tháng 10 vừa qua. Chương trình thu hút hàng trăm sinh viên, người dân đến tham dự. Em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 4 ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, khoe: “Hôm nay, em đem đến 3 cặp pin, 10 chai nhựa và đổi được 1 bàn chải tre, 1 bọc ống hút gạo và 1 bình thủy tinh. Em vui lắm, không ngờ những thứ tưởng bỏ đi mà lại đổi được quà. Em sẽ nói với ba mẹ và các bạn thu gom và phân loại các rác thải ở nhà để bảo vệ môi trường”…
* Manh nha kinh tế tuần hoàn
Hiện nay, các vùng đô thị lớn ở nước ta được khuyến khích dùng công nghệ đốt rác phát điện để xử lý rác thải sinh hoạt. Ðây là công nghệ tối ưu của thế giới hiện nay, phù hợp định hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tái chế của Chính phủ. Cần Thơ đã tiên phong đi đầu thực hiện dự án đốt rác phát điện đầu tiên ở Việt Nam. Một năm qua, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đã đi vào hoạt động ổn định, công suất xử lý rác 400 tấn/ngày và phát điện khoảng 150.000kWh (tương đương 60 triệu kWh/năm) hòa vào lưới điện quốc gia. Tro xỉ lò đốt (khoảng 20 tấn/ngày) được Bộ Xây dựng cho phép làm vật liệu xây dựng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, quản lý chất thải rắn, trong đó có các loại chất thải từ vật liệu nhựa là nhiệm vụ rất khó khăn. Với quan điểm xem bảo vệ môi trường là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, TP Cần Thơ luôn chú trọng tìm kiếm các giải pháp quản lý, xử lý chất thải. Trong đó có những giải pháp xử lý, nghiên cứu tiềm năng để tận dụng chất thải từ vật liệu nhựa một cách hiệu quả.
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tham gia “Thử thách dọn rác” tại Bờ kè Khu dân cư 586, quận Cái Răng. Ảnh: CTV
Với quan điểm trên, TP Cần Thơ hoan nghênh sự hỗ trợ đến từ các tổ chức, quốc gia trên thế giới trong giải pháp xử lý môi trường. Điển hình như Tổ chức Recycled Island Foundation (RIF) đề xuất dự án hỗ trợ cho thành phố hai bẫy rác thụ động thu gom rác trên sông. Theo ông Nicola Belafatti, Điều phối viên dự án tại Tổ chức RIF, sau khi thu gom và phân loại rác thải từ bẫy, có thể tận dụng tạo ra một số sản phẩm làm từ nhựa tái chế: công viên nổi, bờ kè; sản phẩm cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; gạch nhựa; nắp cống…
Trước đó, The Ocean Cleanup - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Hà Lan, đã nhiều lần đến làm việc với TP Cần Thơ về hỗ trợ một thiết bị thu gom rác trôi nổi trên sông cho thành phố, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2020. Như vậy, nếu 2 dự án trên thành công, thành phố được hỗ trợ 3 thiết bị thu gom rác trên sông. Tất cả những nỗ lực trên là tiền đề để thành phố tái chế rác thải thành những sản phẩm hữu ích… theo chu trình tuần hoàn bền vững.
* * *
Mỗi người bằng những việc làm thiết thực đều có thể góp phần hạn chế rác thải, lan tỏa lối “sống xanh”… cùng với những dự án của thành phố đưa Cần Thơ trở thành nơi có môi trường sống lý tưởng với những cư dân hiện đại, văn minh…
TUYẾT TRINH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)